Những người lấp khoảng trống

ThienNhien.Net – Doanh nghiệp xã hội và doanh nhân xã hội là những khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp xã hội đã trở thành một xu hướng, một phong trào ngày càng nở rộ, xuất phát từ chính nhu cầu cuộc sống và những khiếm khuyết do tính thiếu bền vững của quá trình phát triển kinh tế xã hội.

 

Nếu dùng thuật ngữ chuyên môn, doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh vận hành theo cơ chế thị trường với mục tiêu giải quyết những vấn đề nổi cộm về môi trường và xã hội. Diễn giải nôm na, thước đo sự thành bại của một doanh nghiệp xã hội, không đơn thuần là lợi nhuận. Vì vậy, những doanh nhân xã hội mặc dù cũng là những người đam mê kinh doanh, nhưng cái đích cuối cùng mà họ hướng đến không phải là tiền bạc. 

 

ECOLIFE, một doanh nghiệp xã hội về du lịch sinh thái cộng đồng hoạt động bước đầu tại xã Giao Xuân, một xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy. Nhưng, như lời tâm sự của chị Nguyễn Thu Huệ, thành viên đồng sáng lập doanh nghiệp: “ECOLIFE làm du lịch không theo cách mà những công ty du lịch bình thường vẫn làm, mà theo cách do chính người dân địa phương sáng tạo nên. Lợi nhuận không phục vụ cho chủ doanh nghiệp mà cho chính những người dân làm du lịch tại chỗ. Tâm huyết lớn nhất của chúng tôi là muốn giúp những người phụ nữ nghèo khó vùng ven biển thoát khỏi cơ cực, nghèo khổ mà không phải ly hương.

 

Còn với Phan Ý Ly, người phụ nữ trẻ vừa khởi sự kinh doanh với Life Art (Nghệ thuật sống) – doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam trong một lĩnh vực được mô tả khá hấp dẫn: phát triển con người dựa trên quá trình sáng tạo và tư duy phản biện – phương châm kinh doanh của chị là “càng rẻ càng thành công”. Life Art tổ chức các khoá học về phát triển nhân cách, phát triển cộng đồng qua quá trình sáng tạo. Thực ra, đằng sau phương châm giản đơn của Phan Ý Ly, đó là một ao ước lớn lao sẽ có nhiều người dân thường, ngay cả với một mức thu nhập thấp, cũng có cơ hội được trải nghiệm và học hỏi những kỹ năng “nghệ thuật sống”, càng nhiều càng tốt. Ly tin rằng chị có thể đem yếu tố sáng tạo giúp mọi người tạo nên những thay đổi tích cực trong xã hội vì lợi ích cho chính họ.

 

Khát vọng hàn gắn và giảm khoảng cách

 

Vì quan tâm đến những vấn đề nổi cộm của xã hội nên đối tượng của doanh nghiệp xã hội chính là những số phận con người, những cộng đồng dễ bị tổn thương.

Chị Trần Hồng Điệp, sau nhiều năm phụ trách tư vấn tâm lý  tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới (CSAGA) rất trăn trở về nguy cơ khủng hoảng tâm lý và tự tử học đường đang có chiều hướng gia tăng trong thanh thiếu niên. Chị hằng ấp ủ ước mơ thành lập một doanh nghiệp xã hội về phòng chống khủng hoảng tâm lý – đó là lý do ra đời của dự án “Khát vọng sống”.

 

Nguyễn Quang Thạch từng là cán bộ nhà nước với tương lai hứa hẹn và ổn định, từng công tác tại một tổ chức phi chính phủ quốc tế với mức lương hấp dẫn, như lẽ thường đã có thể yên phận, nhưng anh không vậy. Mười năm bức xúc với cái sự nghèo… “tri thức” của bà con nông thôn đã khiến anh nung nấu ý tưởng xây dựng các “tủ sách dòng họ”. 

Tôi quan sát có tới 95% gia đình sống ở nông thôn không hề có cuốn sách nào trong nhà. Họ cần được trang bị kiến thức mới có thể thoát nghèo. Đầu tư cho tri thức là đầu tư bền vững. Chừng nào người nông dân có thể sử dụng máy tính và nói chuyện được với nhau, họ hoàn toàn có thể bắt tay ngang hàng với nông dân các nước phát triển như Nhật, Mỹ.
                                                 – Nguyễn Quang Thạch –

Tạm gác cuộc sống yên ổn trước mắt, anh ngược xuôi nơi này nơi khác để xin sách cho bà con, lặn lội xuống với bà con để vận động họ xây dựng tủ sách tri thức cho chính dòng họ mình. Sớm mùng 1 Tết khởi đầu chuyến điền dã xuyên Việt vận động các địa phương xây dựng tủ sách dòng họ cũng là một cách khai xuân lạ lùng và đầy nỗ lực của Thạch. Nhìn lại thành quả 56 tủ sách dòng họ tại 16 tỉnh thành của anh hôm nay, quả là công sức đã không uổng.

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của Thạch thành công của anh không đo bằng số lượng tủ sách do chính anh xây dựng nên, mà là số người đã liên hệ với anh để học cách tự tạo nên tủ sách cho dòng họ mình, bởi chỉ có điều đó mới phản ánh thực chất được sự thay đổi trong tiềm thức của người dân. Được biết, trong những ngày cuối tháng 5/2010, Phú Yên đã phát động phong trào xây dựng tủ sách dòng họ trên toàn tỉnh.

 

Nói về các doanh nhân xã hội, bà Vương Thị Hạnh, Nguyên PCT Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận xét “Họ đam mê tạo nên những lợi nhuận không phải tiền bạc. Họ khoả lấp những khoảng trống xã hội, hướng đến những con người kém may mắn hoặc phải chịu rủi ro, với mong muốn tạo cho những số phận ấy cuộc sống tươi sáng hơn. Nhờ họ, các giá trị xã hội được phát huy thêm.”

 

Cần được tiếp sức

 

Tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về doanh nghiệp xã hội 2010 vừa diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, các bên tham gia đã cùng thừa nhận vai trò của các doanh nghiệp xã hội, rằng họ có khả năng giải quyết một số lĩnh vực xã hội mà chính phủ khó có thể tiếp cận. Chia sẻ từ các quốc gia cho thấy mặc dù mạng lưới các doanh nghiệp xã hội ngày càng mở rộng, song ngay cả ở các nước phát triển như Canada, Mỹ, doanh nghiệp xã hội còn hoạt động manh mún, thiếu khuôn khổ. Họ còn ít được chính phủ quan tâm và cam kết hỗ trợ. Đây cũng có thể là thách thức đối với phong trào doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới.

 

 Anh là một trong những quốc gia trên thế giới có tổc độ tăng trưởng nhanh về mạng lưới doanh nghiệp xã hội, đặc biệt trong 7 năm trở lại đây. Các nội dung liên qua đến doanh nghiệp xã hội cũng đã được các nhà quản lý quan tâm và lồng ghép vào chính sách. Thông tin từ đại điện Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái, doanh nghiệp xã hội tại Anh vẫn tăng trưởng ở mức rất cao.

Có một điều may mắn rằng ở Việt Nam trong năm 2008 đã ra đời một tổ chức “bà đỡ” cho các doanh nghiệp xã hội, đó là Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ Cộng đồng (CSIP) . Từ 2009, CSIP mở ra chương trình tài trợ thường niên, hỗ trợ và đầu tư trực tiếp vào các doanh nhân xã hội trong giai đoạn khởi sự doanh nghiệp – được coi là giai đoạn khó khăn nhất của một doanh nghiệp.

 

Với 79 hồ sơ xin tài trợ trong năm kêu gọi đầu tiên, có thể nói con số doanh nhân xã hội tiềm năng của Việt Nam không nhỏ. Và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng con số đó sẽ còn gia tăng gấp bội phần, bởi sự sáng tạo và tấm lòng nhân ái là không có giới hạn, hay như Nguyễn Quang Thạch tâm sự ý tưởng của anh sẽ không chỉ dừng ở “Tủ sách dòng họ”.

Song, có một điều quan trọng, để doanh nghiệp xã hội có thể tồn tại phát triển, họ cần được xã hội tiếp nhận, chia sẻ khó khăn và tiếp sức.