Chúng ta sẽ cứu sinh vật nào khỏi nạn tuyệt chủng?

ThienNhien.Net – Theo lẽ tự nhiên, chúng ta thường chú ý đến số ít các loài vật xinh xắn, đáng yêu, hay những bông hoa sặc sỡ sắc màu, mà quên đi đa số những loài vật vừa nhỏ bé vừa kém hấp dẫn. Nhưng một số loài nhỏ bé ấy lại điều khiển hệ sinh thái, và có các chức năng quan trọng cần thiết cho sự sinh tồn của loài người như làm sạch nước, lưu trữ carbon và tuần hoàn dinh dưỡng. Do vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ ưu tiên cứu loài vật nào khỏi nạn tuyệt chủng?

Một trong số những loài cần được chú ý hơn có thể kể đến Tardigrade (loài đi chậm còn được biết đến với tên gấu nước), một loài động vật kỳ diệu trông giống con gấu nhỏ 8 chân. Đây là loài vật duy nhất có thể tồn tại trên vũ trụ, sống 10 năm không cần nước và có thể chống lại các luồng bức xạ chết người. Tuy nhiên, hiếm ai biết đến chúng, và không ai tìm cách cứu chúng. Có hơn 1000 loài Tardigrada khác nhau ở mọi môi trường trên Trái Đất: từ núi cao tới biển sâu, từ vùng nhiệt đới tới các vùng cực.

Kỳ diệu là vậy, nhưng khác với cá voi, voi, gấu trúc, gấu Bắc cực…, Tardigrades không được quan tâm chú ý. Nấm, vi khuẩn, giun đất và mối cũng chịu chung số phận. Công việc cứu loài kiến đầu hẹp và loài thực vật có tên Melampyrum sylvaticum, một loài thảo mộc nhỏ hoa vàng, diễn ra thầm lặng nhưng việc bảo vệ sóc đỏ lại thu hút được sự quan tâm rộng rãi. Điều này, theo các cố vấn về động vật hoang dã của chính phủ Anh, chính là vấn đề cần xem xét lại.

Do tập trung bảo vệ một số ít động vật nổi tiếng nên chúng ta không thấy được bức tranh toàn cảnh. Thậm chí chúng ta có thể không ngăn chặn được những thảm hoạ môi trường vì điều đó. Tiến sĩ Peter Bridgewater, chủ tịch Uỷ Ban Hợp tác Bảo tồn Thiên nhiên Anh đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta mất quá nhiều thời gian và sức lực vào các loài thu hút sự chú ý của công chúng trong khi bỏ mặc những loài ảnh hưởng tới tương lai của Trái Đất?”

Thất vọng vì những người tham gia chiến dịch bảo tồn đã bỏ quên các loài ít được biết đến này, tiến sĩ Bridgewater bày tỏ: “Tôi đang hy vọng một tổ chức phi chính phủ nào đó phát động chiến dịch cứu loài Tardigrada vì chúng đang bị chôn vùi dưới hàng tấn bê tông trong quá trình phát triển đô thị”. Đồng thời, tiến sĩ cũng kêu gọi cải tổ phương thức hoạt động của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã.

Martin Gaywood, giám đốc quản lý các loài của Cơ quan Bảo tồn Di sản Thiên nhiên Scotland (SNH) cũng nhấn mạnh rằng chúng ta đang phải đối mặt với các nguy cơ khác nhau. Thỏ núi đang gặp nguy hiểm do khai thác không bền vững và thiếu kiểm soát; mèo hoang dần biến mất do gây giống với mèo nhà; trong khi đó dơi cũng chung số phận do môi trường sống suy thoái.

Tổ chức Bảo tồn Cuộc sống Hoang dã Scotland cũng khẳng định, quản lí từng loài đơn lẻ giữ vị trí quan trọng trong việc bảo tồn cuộc sống hoang dã, nhưng đó chỉ là một phần trong toàn cảnh hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học mà chúng ta triển khai để giải quyết tình trạng suy giảm các loài sinh vật và môi trường sống của chúng.

Simon Milne, giám đốc điều hành Tổ chức Bảo tồn Cuộc sống Hoang dã Scotland thừa nhận: “Tất cả chúng ta đều có lỗi vì chỉ quan tâm tới những loài vật hấp dẫn, và tất nhiên công luận thường nghiêng về các hành động che chở và bảo vệ chúng. Nhưng thực tế, những nỗ lực của chúng ta cũng bị ảnh huởng bởi các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị cũng như khả năng dễ tổn thương của các loài riêng rẽ và môi trường sống của chúng”.

Hiệp hội Bảo tồn Tự nhiên Quốc tế ở Thụy Sỹ cho biết trong 5587 loài động vật có vú, 1141 loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.