Việt Nam hướng tới tăng trưởng cân bằng và bền vững

ThienNhien.Net – Ngày 09/06, tại Rạch Giá (Kiên Giang) đã diễn ra Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các đối tác phát triển cho Việt Nam. Tại hội nghị, các đối tác phát triển đã đóng góp ý kiến cho Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 (SEDS) và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 (SEDP) của Việt Nam. Các đối tác phát triển cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam và hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách sâu rộng để hoàn thành chương trình cải tổ của một nước phát triển thấp và trở thành một quốc gia thu nhập trung bình một cách vững chắc.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cập nhật với các đối tác phát triển về tình hình kinh tế xã hội gần đây ở Việt Nam. Thủ tướng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đối tác phát triển cho Chiến lược phát triển KTXH 10 năm và Kế hoạch phát triển 5 năm và đề nghị tiếp tục thảo luận về các vấn đề này.  

Thủ tướng thông báo với các đối tác phát triển về những nguyên tắc định hướng cho Chiến lược phát triển KTXH và Kế hoạch phát triển 5 năm bao gồm “(i) Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược, (ii) Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, (iii) Thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển, (iv) Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và (v) xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.”

Thủ tướng cũng nêu bật ba đột phá chiến lược chính mà Chính phủ sẽ tập trung trong thời gian tới là: cải thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Các đối tác phát triển đánh giá cao cơ hội được đóng góp ý kiến cho Chiến lược phát triển KTXH và Kế hoạch phát triển 5 năm và thúc giục Chính phủ mở rộng quá trình tham vấn ý kiến để lấy thêm ý kiến đóng góp cho hai văn bản quan trọng này. Thay mặt cộng đồng các đối tác phát triển, Đại sứ Liên minh châu Âu Sean Doyle lưu ý rằng các đối tác phát triển “rất mong muốn được biết nhiều hơn về các biện pháp tăng cường của Chính phủ trong cuộc chiến chống đói nghèo, đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường và quản lý các tập đoàn kinh tế quốc doanh một cách công khai, minh bạch và hiệu quả vì lợi ích của người dân Việt Nam”.

Hội nghị đề cập đến nhiều vấn đề như quản lý kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng toàn diện, phòng chống tham nhũng…

Các đối tác phát triển đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ trong việc đưa ra đảm bảo rằng tăng trưởng của Việt nam vẫn phục vụ tất cả mọi người. Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc phát biểu: “Tuy nhiên, cần phải có các tiếp cận khác và sáng tạo hơn để sự tăng trưởng đó tới được với 15% dân số vẫn còn trong nghèo khổ. Hơn thế nữa, chính sách kinh tế và xã hội cần phải được nhìn nhận như hai mặt của một đồng xu, đặc biệt là để đảm bảo rằng sự không bất bình đẳng trong cơ hội không làm giảm đi tiến bộ của Việt nam.”

Chính phủ và các đối tác phát triển đồng ý rằng biến đổi khí hậu, có thể sẽ dẫn tới thời tiết khắc nghiệt hơn và nước biển dâng cao, sẽ tạo ra các thách thức mới cho Việt nam. Nước biển dâng cao là một mối quan ngại nghiêm trọng với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi Hội nghị đang được tổ chức. Ông Peter Lysholt Hansen, Đại sứ Đan mạch nhấn mạnh “Tầm quan trọng của việc lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược toàn diện cũng như đưa các cơ hội phát triển ít phát sinh carbon trong Kế hoạch 5 năm và Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội như một lựa chọn cho phát triển bền vững.”

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày mồng 9 và 10/06 với sự tham gia của đại diện Chính phủ, đại diện các Bộ, Ngành và một số tỉnh Nam Bộ, còn phía quốc tế có các đại sứ, đại diện của các nước, các tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam.