Nhập khẩu than: Nghịch lý được báo trước

ThienNhien.Net – 41.500 tấn than vừa cập cảng Hòn Nét (Quảng Ninh). Đây là mẻ than đầu tiên Vinacomin nhập khẩu thí điểm từ Liên bang Nga và sẽ là bước đệm cho kế hoạch nhập than phục vụ nhu cầu trong nước thời gian tới. Đáng nói, mặc dù nhu cầu than vẫn đang gia tăng, dự kiến đến năm 2020, sẽ phải nhập khẩu cả triệu tấn, nhưng song hành với việc nhập khẩu, ngành than vẫn đang làm một điều nghịch lý: Xuất khẩu than với số lượng không hề nhỏ.

Mỏ than Đào Nai, Quảng Ninh (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)
Mỏ than Đào Nai, Quảng Ninh (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)

Khi “mỏ vàng đen” đã cạn kiệt

Việc đầu tư mỏ mới cần chi phí lớn, thời gian dài (khoảng 300-400 triệu USD và 7-8 năm) nên Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành than phải mở thêm 28 mỏ mới trong giai đoạn năm 2011 – 2015 gần như không thể hoàn thành. Bài toán nhập khẩu than được đặt ra từ đây.

Từ một nước được coi là “thủ phủ vàng đen”, Việt Nam đang phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để tìm mọi cách cứu nguy cho vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. Đó thực sự là một nghịch lý, và nghịch lý này cũng đã từng được cảnh báo. Tuy nhiên, ngay cả khi khó khăn đã hiện hữu trước mắt, ngành than vẫn không từ bỏ ý định xuất khẩu than, mặc dù lượng xuất khẩu cũng đã giảm đi so với thời kỳ “nóng nhất”.

Mẻ than đầu tiên nhập khẩu về có tên gọi là Antraxit được Vinacomin nhập từ Liên bang Nga với giá 2,1 triệu đồng/tấn, tương đương giá than cùng loại bán trong nước. Lãnh đạo ngành than cho hay, than nhập khẩu sẽ được pha trộn với than trong nước theo tỷ lệ 4/6, sau đó cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

Việt Nam được coi là “mỏ vàng đen” của châu Á và Đông Nam Á, với trữ lượng hiện nay còn khoảng tương đương 3,5 tỷ tấn. Bởi vậy, việc một nước giàu có tài nguyên than lại phải nhập khẩu than sẽ khiến dư luận thế giới không khỏi bất ngờ. Song, nếu như tìm rõ nguyên nhân của sự việc, thì thực tế đó hoàn toàn không có gì khó hiểu. Là bởi, dù có thế mạnh về tài nguyên than, nhưng nhiều thập kỷ qua, Việt Nam chỉ chú trọng khai thác để xuất khẩu. Có thời điểm (giai đoạn 2006-2011) Việt Nam xuất khẩu tới 21 triệu tấn than. Xuất khẩu một khối lượng lớn than, để rồi giờ đây “mỏ vàng đen” lại đang đứng trước nghịch lý phải nhập khẩu than. Mà rõ ràng, than đá là một loại tài nguyên không tái tạo và không phải quốc gia nào cũng được “ông trời” ưu ái ban cho.

Nguy cơ thiếu than cho nhu cầu trong nước đã từng được giới chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, theo dự báo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, Chính phủ cũng đã nêu vấn đề, nhu cầu than trong nước đang ngày càng tăng cao: Năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, và cho đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn. Như vậy, so với mức tiêu thụ năm 2013 (28 triệu tấn) đến năm 2015 (chỉ sau 2 năm) nhu cầu than trong nước sẽ tăng gấp hơn 2 lần, đến năm 2020 tăng gấp 4 lần và đến năm 2030 tăng gấp 8 lần. Trong khi đó, sản lượng than hiện tại mới chỉ đạt 40 triệu tấn và trong tương lai cũng khó có thể tăng sản lượng lên. Lý do là bởi, những chỗ dễ đào, dễ khai thác thì đã được khai thác hết, chỉ còn lại những chỗ khó khăn. Hơn nữa, việc đầu tư mỏ mới cần chi phí lớn, thời gian dài (khoảng 300-400 triệu USD và 7-8 năm) nên “nhiệm vụ” Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành than phải mở thêm 28 mỏ mới trong giai đoạn năm 2011 – 2015 gần như không thể hoàn thành. Bài toán nhập khẩu than được đặt ra từ đây.

Mỏ Cọc Sáu, Quảng Ninh (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)
Mỏ Cọc Sáu, Quảng Ninh (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)

Nghịch lý

Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, ngay ở thời điểm hiện tại, mặc dù trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình, ngành than đã lên kế hoạch nhập khẩu trong giai đoạn 2016 – 1020, nhưng song song với đó, Vinacomin vẫn xây dựng kế hoạch xuất khẩu than cũng trong giai đoạn tương ứng. Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, do nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện là rất lớn nên sang tới năm 2016, chắc chắn sẽ phải nhập khẩu. Tập đoàn dự kiến, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, sẽ phải nhập khẩu khoảng 20 – 30 triệu tấn than. Vị Phó Tổng Giám đốc Vinacomin phân trần, việc nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là từ sau năm 2016 trở đi, khi nhu cầu than tăng mạnh và trong nước không thể đáp ứng đầy đủ. “Chúng tôi sẽ cố gắng cân đối sản xuất để trong năm 2015 không phải nhập khẩu than, song từ năm 2016 chắc chắn sẽ phải nhập khẩu” – ông Biên khẳng định. Tuy vậy, lãnh đạo ngành than cũng không phủ nhận việc, trong kế hoạch sản xuất và kinh doanh của ngành, vẫn sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn than/ năm.

Vinacomin cho biết, Tập đoàn cũng đã tính đến việc phải hợp tác với các đối tác quốc tế để khai thác than ở nước ngoài trong thời gian tới do nhu cầu than phục vụ sản xuất trong nước là rất lớn. “Hiện chúng tôi đang đàm phán với các đối tác nước ngoài để liên kết, tìm kiếm nguồn than, chúng tôi cũng đã tính đến việc phải hợp tác với một số nước có trữ lượng than lớn để khai thác mỏ tại chỗ” – ông Biên cho biết. Tất nhiên, những chi phí cho mục tiêu này chắc chắn sẽ không hề nhỏ.

Từ một nước được coi là “thủ phủ vàng đen”, Việt Nam đang phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để tìm mọi cách cứu nguy cho vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. Đó thực sự là một nghịch lý, và nghịch lý này cũng đã từng được cảnh báo. Tuy nhiên, ngay cả khi khó khăn đã hiện hữu trước mắt, ngành than vẫn không từ bỏ ý định xuất khẩu than, mặc dù lượng xuất khẩu cũng đã giảm đi so với thời kỳ “nóng nhất”.

Đứng trước thực tế này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì đặt mục tiêu đào tài nguyên để bán, Vinacomin nên tập trung vào việc khai thác, quản lý để hạn chế tối đa việc thất thoát tài nguyên than, như đã và đang xảy ra. Đồng thời, nên đầu tư công nghệ, nhân lực để tìm kiếm khai thác than chất lượng tốt, từ đó có thể pha trộn, nâng cao hàm lượng than xấu cung cấp cho nhiệt điện và ngành công nghiệp trong nước, như vậy sẽ hạn chế được nhập khẩu và chủ động được nguồn than cho an ninh năng lượng quốc gia.