Rừng “chảy máu” nhường đất cho cao su

ThienNhien.Net – Nhiều ha rừng thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên đã được cho là "rừng nghèo" và được UBND tỉnh Bình Phước giao cho các doanh nghiệp chuyển sang trồng cây cao su. Điều này không chỉ gây nên mối lo ngại về những tác động tới hệ sinh thái VQG Cát Tiên mà còn với cả đời sống của cư dân hạ lưu sông Đồng Nai.

Theo phản ánh của báo Công an thành phố HCM, ngày 30/05/2010, khu vực rừng tiểu khu 322, tiểu khu 317, tiểu khu 616 thuộc vùng đệm VQG Cát Tiên đã được UBND tỉnh Bình Phước giao cho hàng chục doanh nghiệp chuyển đổi trồng cây cao su.

Tại những khu rừng này hiện nay những cây gỗ “tận thu” to, dài chất đầy hai bên đường đợi đến lượt được vận chuyển và những gốc cây rừng còn dấu cưa mới cùng ngổn ngang các loại xe ủi, xúc của các công ty khai thác. Có công ty còn lập luôn lán trại cho công nhân ở ngay trong rừng.

Theo Sở NN&PTNT Bình Phước, riêng huyện Bù Đăng, có tổng cộng 38 công ty được giao chuyển đổi hàng ngàn ha rừng nằm giáp ranh với VQG để trồng cao su. Tương tự, tỉnh Lâm Đồng cũng giao rừng tại các vùng lõi 427, 507 và vùng đệm của Cát Tiên cho 17 doanh nghiệp và các hộ dân. Sau khi được cấp phép, hàng ngàn ha rừng đã bị triệt hạ để lấy gỗ.

Còn theo Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên, những khoảnh rừng được xem là nghèo kiệt này nếu đem so với diện tích trong dự án trồng rừng 327 của Chính phủ còn “giàu” gấp chục lần bởi còn rất nhiều gỗ lớn.

Điều đáng nói là sau khi tận thu lâm sản, hầu hết các dự án trồng cao su còn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh các thủ tục chuyển đổi, nên mới chỉ 2.500 hécta rừng nghèo kiệt được trồng cao su trong tổng số 8916 hecta rừng được chuyển giao cho 120 doanh nghiệp từ năm 2006 đến nay.

Những cánh rừng này không chỉ là vùng đệm VQG Cát Tiên mà còn là rừng đầu nguồn sông Đồng Nai. Điều này khiến phó giám đốc VQG Cát Tiên, ông Vũ Mạnh, lo ngại về những tác động đến VQG Cát Tiên, đến hệ sinh thái của Vườn và đời sống cư dân vùng hạ lưu sông Đồng Nai.

Được biết, gần đây ông Trần Văn Thành – Giám đốc VQG Cát Tiên – đã có văn bản gửi Cục Kiểm lâm đề nghị xem xét lại việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su vì đe doạ nghiêm trọng đến rừng phòng hộ đầu nguồn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị cũng đã có công văn đề nghị UBND các địa phương vùng đầu nguồn sông Đồng Nai cân nhắc chủ trương khi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án chuyển đổi rừng, đặc biệt đối với rừng vùng đệm VQG.

Tuy nhiên, trong khi chờ hướng giải quyết, “máu rừng” vẫn chảy để nhường đất cho cây cao su.