Phát thải các bon từ nạn phá rừng: Trách nhiệm cần chia sẻ

ThienNhien.Net – Nghị định thư Kyoto quy định các quốc gia phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải các bon do nước mình phát thải, tuy nhiên, với trường hợp phát thải các bon trong sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng bên ngoài quốc gia thì chưa được đề cập tới. Chẳng hạn như Trung Quốc, nước đang dẫn đầu về lượng khí thải các bon trên thế giới, 50% sự tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2009 là nhờ vào việc sản xuất hàng hóa cho các nước giàu như EU và Hoa Kì, nhưng không có bất cứ ràng buộc nào buộc quốc gia này phải chịu trách nhiệm về những việc đã gây hại cho môi trường! Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Thư Nghiên cứu Môi trường đã đưa ra mô hình nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc làm gia tăng lượng khí thải các bon từ nạn phá rừng. Nghiên cứu tập trung chủ yếu vào việc làm rõ chi phí sản xuất thịt bò và đậu nành ở rừng nhiệt đới Amazon của Brazil.


Tăng trưởng kinh tế tỉ lệ thuận với nạn phá rừng

Tại Brazil, hoạt động sản xuất từ việc phá rừng Amazon chiếm đến 75% tổng lượng khí thải của nước này, nhưng hầu hết các sản phẩm thu được như đậu nành và thịt bò lại được xuất sang các nước châu Âu, châu Phi và châu Á.

“Brazil là một trong những nước có lượng khí thải từ phá rừng cao nhất thế giới, và cũng là nước có mức xuất khẩu thịt bò và đậu nành tăng đột biến trong suốt hai thập kỉ qua” – David Zaks, Cán bộ Trung tâm Phát triển bền vững và Môi trường toàn cầu (SAGE), Đại học Wisconsin, Madison, Mỹ cho biết.

Từ năm 1990 – 2006, xuất khẩu thịt bò tăng 500%; lượng đậu nành xuất khẩu cũng tăng trưởng không kém. Tuy không trực tiếp dẫn tới nạn phá rừng nhưng việc khai phá đất để trồng đậu tương khiến rừng ngày càng bị lấn át bởi những hộ chăn nuôi và những chủ đất nhỏ.

Điều đáng chú ý là trong khi các nhà nhập khẩu đậu nành của Brazil chủ yếu đến từ EU và châu Á thì đối tượng nhập thịt bò của Brazil lại bao gồm cả Đông Âu, EU, Trung Đông, châu Á, châu Phi và các quốc gia Nam Mĩ. Dù vậy, chưa có bất cứ một quốc gia nào phải trả phí cho những thiệt hại về môi trường (bao gồm cả lượng lớn khí thải cacbon) mà họ đã “gián tiếp” gây ra cho khu rừng Amazon.

Zaks và nhóm cộng sự của ông đã đề xuất một mô hình nhằm thay đổi thực trạng này. Theo ông, khi một sản phẩm được xuất khẩu thì trách nhiệm về lượng khí thải từ việc sản xuất sản phẩm đó nên được chia đều, một nửa thuộc về nhà sản xuất, một nửa thuộc về các nước nhập khẩu và người tiêu dùng tại các nước đó.

Zaks giải thích, “không có cách nào cân đối được tỉ lệ phát thải giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất nhưng chúng tôi cũng không nghĩ việc quy trách nhiệm lượng khí thải cho riêng Brazil hay các nước nhập khẩu là hợp lý”. Việc đưa ra mô hình chia sẻ trách nhiệm giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng không chỉ đảm bảo sự công bằng mà còn khuyến khích việc giảm thiểu nạn phá rừng trên toàn cầu. Bằng cách tận dụng diện tích đất sẵn có để mở rộng sản xuất và tăng sản lượng nông sản, các nước có thể sản xuất hàng hóa nông nghiệp mà không phụ thuộc vào việc phá rừng. Sự thay đổi này sẽ không chỉ có lợi cho Amazon mà còn có lợi cho rất nhiều khu rừng hiện nay của Đông Nam Á, nơi ít có những chính sách khuyến khích cây trồng nông nghiệp phát triển.

“Nếu các mặt hàng nông nghiệp được sản xuất ở một vị trí khác (cách xa rừng), hoặc sử dụng các phương pháp có tổng lượng phát thải các bon thấp hơn thì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cũng sẽ chuyển sang những nơi có thể cung cấp sản phẩm ít dấu chân cacbon hơn” – Zaks nói. Tất nhiên điều này giả định rằng, giá các bon lớn hơn lợi nhuận tiềm năng của việc sản xuất ở những khu đất mớii được khai phá.

Trả phí trong bao lâu là đủ?

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, nếu lượng khí thải từ phá rừng chỉ được tính trong năm đầu của quá trình sản xuất (tức sản phẩm được sản xuất trong những năm tiếp theo không phải trả phí thải các bon) thì các nhà sản xuất vô tình sẽ là những người “hưởng khống”. Nhưng nếu việc thu phí phát thải cacbon diễn ra trong một thời gian dài tương đối thì chúng ta có thể ngăn ngừa được phần nào nạn phá rừng đang tồn tại hiện nay. Theo nhóm nghiên cứu, khoảng thời gian hợp lý là khoảng 20 năm.

 

Đàn gia súc ở Amazon, Brazil (Ảnh: Rhett A. Butler, nguồn: Mongabay.com) 

Áp dụng mô hình nghiên cứu 20 năm, Zaks và các cộng sự thấy rằng, từ năm 1990 đến năm 2006, xuất khẩu đậu nành từ Amazon có thể phải chịu trách nhiệm cho 128 TgCO2e (128 triệu tấn CO2, tương đương với lượng CO2 hàng năm từ hệ thống phát điện ở Florida hoặc Pennsylvania), trong khi đó, xuất khẩu gia súc cũng phải chịu trách nhiệm cho 120 TgCO2e (120 triệu tấn CO2). Nhưng kể từ khi lượng gia súc được tiêu thụ tại địa phương thì trách nhiệm cho lượng khí thải từ việc chăn nuôi gia súc cũng ít hơn.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, từ năm 1990 – 2006, thị trường EU đã nhập tổng cộng 61,8% trực tiếp (hoặc gián tiếp) lượng khí thải từ việc sản xuất thịt bò và nhập trực tiếp 31,2% lượng khí thải từ việc sản xuất đậu nành ở Amazon. Tuy nhiên, chi phí cho những tỉ lệ phần trăm này không thể tính toán nên khó có thể thiết lập được mức giá các bon trên thị trường. Mặt khác, nhiều ý kiến cũng lo ngại, đề án các bon này sẽ vấp phải một số khó khăn liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp. Việc đánh thuế các bon vào mặt hàng thực phẩm có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nghèo? Liên Hiệp quốc ước tính, nếu làm như đề án các bon thì ít nhất sẽ có 1 tỉ người trên thế giới phải chịu đói!

Tuy nhiên, “nếu kế hoạch được triển khai, sẽ có những biện pháp bình ổn được đặt ra để bảo vệ những người đang sử dụng thực phẩm không an toàn” – Zaks cho biết. Theo suy luận của Zaks, thuế các bon có thể giúp hạ giá ngũ cốc. Vì nếu giá cả tăng cao ở những mặt hàng phát sinh nhiều các bon (như chăn nuôi, trồng ngũ cốc cho chăn nuôi) thì nhu cầu cho những mặt hàng này sẽ giảm, dẫn đến việc cung cấp ngũ cốc tăng và giá thành giảm. Tất nhiên, đó vẫn chỉ là giả thiết chứ chưa được kiểm định thực tế, do đó cần một mô hình được áp dụng để kiểm định giả thiết này.

Cũng theo Zaks, lượng khí thải nhà kính không chỉ có tác động tiêu cực tới môi trường như mất đa dạng sinh học, suy giảm nguồn nước (do sự ăn mòn thái quá chất dinh dưỡng) mà còn tác động tớii khí hậu địa phương (như giảm lượng mưa ở rừng nhiệt đới…) và các ngành sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, các dịch vụ hệ sinh thái được cung cấp bởi rừng nhiệt đới và lượng khí thải các bon là hai “đại lượng” gần nhất tạo nguồn thu rộng rãi, vừa giúp phát triển kinh tế địa phương, vừa làm giảm tác động lên sản xuất nông nghiệp.