Thủy điện bức tử môi trường

Chưa bao giờ vấn đề thủy điện lại “nóng” như hiện nay tại Nghệ An. Bởi chính sự bất cập của không ít các nhà máy thủy điện trên địa bàn đã làm cho cuộc sống của người dân xứ Nghệ, đặc biệt là các huyện miền núi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc xả lũ đã làm cho khu vực miền Tây xứ Nghệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bất cập từ thuỷ điện

Sau đợt lũ lụt nghiêm trọng, tại các huyện miền núi Nghệ An như huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp… vấn đề thủy điện tại địa phương này lại được đề cập. Ngay tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra cách đây ít ngày, nhiều đại biểu đã trao đổi về vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương đã thẳng thắn: Chức năng của thủy điện là cắt lũ, chống hạn, sau đó mới là phát điện. Thế nhưng 2 chức năng đầu tiên thường bị “quên” mà chỉ chăm chăm vào chức năng phát điện.

Cũng theo ông Hải, trong đợt lũ lụt hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9, do ảnh hưởng của mưa lũ cũng như việc thủy điện xả lũ đã gây thiệt hại trên 70 tỷ đồng. Ông Hải nhấn mạnh: “Phương án xả lũ được UBND tỉnh phê duyệt, trong này có ghi rõ sau khi xả lũ, thủy điện phải phối hợp với chính quyền địa phương để điều tra thiệt hại và bồi thường theo quy định”. Tuy nhiên theo ông Hải, từ khi xả lũ đến bây giờ, động tác này chưa có. Nếu có thì các thủy điện chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ chứ không muốn gắn trách nhiệm xả lũ.

Riêng đại diện Sở Công thương Nghệ An cho rằng: “Đối với thủy điện Bản Vẽ, dung tích phòng chống lũ 300 triệu m3 ở mực nước 192,5m, nhưng đợt mưa lũ sau cơn bão số 4, dung tích phòng chống lũ chỉ còn 40 triệu m3 nên nước đổ về từng nào phải xả từng đó. Đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng ở vùng hạ du”.

Cũng sau đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Nghệ An đã thành lập một đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra và đã có Báo cáo đánh giá toàn diện tác động của các công trình thủy điện đối với việc điều tiết, ngăn lũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cụ thể, qua kiểm tra, đánh giá cho thấy: Việc triển khai xây dựng nhiều thủy điện trên lưu vực sông Cả đã làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của sông, gia tăng thiệt hại do mưa lũ.

Phần lớn thời gian trong năm, lưu lượng nước sông Cả quá thấp nên không khơi thông được dòng chảy, dẫn đến về mùa lũ nước rút chậm hơn, thời gian ngập kéo dài hơn. Nước thượng nguồn các hồ thủy điện dâng cao hơn, nhanh hơn, làm tăng lũ, tăng thiệt hại. Một số đập công suất xả lũ tối đa nhỏ hơn lưu lượng lũ đổ về làm nước thượng nguồn các hồ thủy điện dâng nhanh quá cao trình đã đền bù giải phóng mặt bằng, gây thiệt hại cho người dân sinh sống trong khu vực này.

Bên cạnh đó, chính các đập thủy điện làm co hẹp dòng chảy, tạo cao trình chênh lệch lớn giữa thượng lưu và hạ lưu của đập dẫn, đến khi xả lũ tạo thành lưu tốc nước quá lớn làm sạt lở nhiều hơn cho vùng hạ du, làm tăng thiệt hại cho người dân (nhất là khu vực gần thân đập) trong đợt mưa lũ vừa qua. Lưu lượng xả lũ của các thủy điện thay đổi nhanh, chênh lệch lớn làm gia tăng thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.

Công tác quan trắc, dự báo nước thượng nguồn của các thủy điện còn hạn chế dẫn đến việc xả lũ không chủ động, lưu lượng xả liên tục thay đổi trong thời gian ngắn làm cho lũ vùng hạ du liên tục thay đổi lớn (lũ lúc lên, lúc xuống bất thường) gây khó khăn cho công tác phòng, chống lũ, làm tăng thiệt hại do lũ gây ra.

Thậm chí, tỉnh Nghệ An cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 2125/QĐ-TTg/2015 cho 3 hồ Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Còn nhớ đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, số 4 vào tháng 7 và 8 vừa qua khiến Nghệ An bị thiệt hại nặng nề.

Việc xả lũ đã làm cho khu vực miền Tây xứ Nghệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xóa sổ 16 thuỷ điện nhỏ

Trước thực trạng trên, mới đây Bộ Công thương và UBND tỉnh Nghệ An đã loại bỏ 15 dự án thủy điện, 1 dự án đang xem xét loại bỏ (tổng công suất 46,15 MW). Theo đó, các dự án Thủy điện gồm: Yên Thắng (công suất dự kiến 11MW), Bản Khuổi (6MW), Nậm Cắn 1 (1,2MW), Khe Lim (1MW), Khe Cam (1MW), Khe Bu (0,8MW), Khe Nà (1MW), Lưu Kiền (1MW), Phà Lài (1,8MW), Suối Cùng 1 (1MW), Nậm Típ (4MW), Huồi Pớc (2,1MW), Mỹ Lý (3MW), Sông Quang 1 (2MW), Bản Pụng (2,1MW), Sông Quàng 3 (9,15MW). Riêng Dự án Nhà máy thủy điện Xốp Cốc với công suất 4MW, tại xã Yên Thắng, huyện Tương Dương do Công ty TNHH Phú Nguyên Hải làm chủ đầu tư đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An xem xét đề xuất loại bỏ khỏi quy hoạch.

Thậm chí, tại Thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương – thủy điện đã hoạt động) UBND tỉnh Nghệ An đã phải ra “tối hậu thư” yêu cầu Công ty phát triển điện lực Việt Nam phải hoàn thành Dự án đường tránh ngập Quốc lộ 7A (từ km142+150 đến km149+350) trước ngày 31/3/2019, nếu không sẽ đề nghị Bộ Công thương và Chính phủ yêu cầu tạm dừng tích nước thủy điện Khe Bố.

Bởi nguyên nhân UBND tỉnh Nghệ An “gắt gao” đơn vị này là việc ngăn nước của Nhà máy Thủy điện Khe Bố, khiến đoạn Quốc lộ 7A đi qua khu vực này ngập và có nguy cơ bị ngập.