Định hướng chương trình giảm nghèo ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Với 41 chính sách và 75 hợp phần của các dự án giảm nghèo, quá trình phối hợp trong công tác giảm nghèo ở Việt Nam đang trở nên khó khăn. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần có sự phối hợp nhịp nhàng các chương trình này.


Ngày 25/05, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên hợp Quốc tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo định hướng chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2020.

Ông John Hendra, đại diện thường trú Liên hợp Quốc cho rằng, thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, thành công so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với 41 chính sách giảm nghèo, 75 hợp phần của các dự án và nhiều văn bản quy định, quá trình phối hợp giữa các chương trình đang trở nên khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Nguyễn Trọng Đàm, cần có sự phân biệt rõ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội và chương trình giảm nghèo, trong đó xác định rõ đâu là phần khác biệt, đâu là phần giao thoa, để áp dụng đúng đối tượng, có các hình thức hỗ trợ khác nhau, qua đó có sự phối hợp quản lý, tránh sự trùng lắp các chương trình hỗ trợ.

Cơ chế phân bổ nguồn lực và trách nhiệm ngay giữa các bộ, ngành cũng cần phải xem xét. Ví dụ, nếu các dự án thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai, thì trách nhiệm báo cáo hiệu quả các chương trình phải do Bộ GD&ĐT thực hiện. Tình hình cũng tương tự với các dự án Y tế, Nông nghiệp…

Trong khi đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là đầu mối đánh giá hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, nhưng lại không nắm các nguồn lực thực hiện xóa đói giảm nghèo, thậm chí đôi khi làm công tác tổng hợp cũng phải xin số liệu từ các bộ, ngành, thay vì việc các bộ ngành trực tiếp nắm nguồn lực và thực hiện phải chịu trách nhiệm, đánh giá hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt nêu ý kiến, cần sớm xây dựng một khung chương trình tổng thể đảm bảo chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 gắn với chiến lược an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới…

Hiện tại, mức sống tại các địa phương là khác nhau, nên giữa các địa phương có thể có chuẩn nghèo khác nhau và khuyến khích các địa phương nâng cao chuẩn nghèo lên cao hơn.

Đồng tình với các ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, các chương trình xóa đói giảm nghèo cần kết hợp các mục tiêu ngắn hạn như trợ giúp khẩn cấp khó khăn với hỗ trợ phát triển dài hạn như giáo dục, đào tạo nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn góp ý, ngoài việc đánh giá của các cơ quan Nhà nước, cần có sự đánh giá của các tổ chức độc lập, từ đó làm rõ chương trình triển khai có đến được với các đối tượng cần thiết và đảm bảo hiệu quả hay không.