Núi Hồng trước tình trạng khai thác đá quy mô lớn

ThienNhien.Net – Hồng Lĩnh là một trong những quần thể núi với 99 đỉnh riêng biệt đã tạo nên một trong những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc không chỉ của riêng đất và người Hà Tĩnh mà của cả nước. Song gần đây, ngành công nghiệp khai thác đá ở Hà Tĩnh nở rộ , nhiều doanh nghiệp rục rịch lên non phá núi, khiến cho một cảnh quan hùng vĩ của đất nước đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại.


Núi Hồng Lĩnh bắt nguồn từ bờ Nam sông Lam, chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam cho đến sông Nghèn (huyện Can Lộc), núi Hồng Lĩnh dài khoảng 30km, rộng chừng 15km, gồm có 99 đỉnh, đỉnh cao nhất tới 768m so với mực nước biển. Hiện nay vẻ hùng vĩ của ngọn núi này đang bị ngành khai thác đá đe dọa.

Báo Công an Nhân dân ngày 1/5/2010 cho biết, chỉ riêng tại khu vực Cộng Khánh, thuộc thị xã Hồng Lĩnh có tới 12 công ty, xí nghiệp chuyên khai thác đá với quy mô lớn. Hằng ngày, dọc theo hai bên dãy núi phía Đông và Tây, những tiếng mìn nổ ầm ầm, những cỗ máy nghiền đá luôn chạy hết công suất, những chiếc xe tải hạng nặng hối hả ra vào quần đảo tơi bời trên các con đường tạo nên một màn khói bụi mù mịt bao chùm cả thung lũng rộng lớn.

Trước đây, khu vực thị xã Hồng Lĩnh đã có nhiều cơ sở khai thác đá, nhưng với quy mô nhỏ, và với phương tiện khai thác thủ công nên mức độ nguy hại tới các vùng núi đá là không đáng kể. Trong khi hiện nay, khai thác đá ở Hồng Lĩnh đã ở quy mô công nghiệp với nhiều phương tiện hiện đại hỗ trợ, nên việc khai thác diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng.

Trước thực trạng này, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh bức xúc: “Hồng Lĩnh là một quần thể di tích quan trọng của cả nước chứ không riêng gì Hà Tĩnh. Tôi không tán thành việc khai thác đá một cách ồ ạt như hiện nay. Vì như thế sẽ không lưu giữ được những nét độc đáo và phá vỡ cảnh quan vốn có của nó.”

Khai thác các nguồn tài nguyên phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương tuy cần thiết nhưng phải có chủ trương khai thác bền vững, hợp lý, phải tính đến những giá trị phi vật chất mà đôi khi giá trị vật chất của tài nguyên – địa danh đó không thể đánh đổi. Chẳng phải ngàn đời nay, sông La – núi Hồng là biểu tượng đáng tự hào của người dân Hà Tĩnh sao!