Thêm giải pháp cứu hồ Hà Nội

ThienNhien.Net – Mỗi quận hoặc cụm dân cư cần có trạm xử lý nước sinh hoạt, xử lý nước hồ bằng vi sinh vật, giảm ô nhiễm nước bằng bè nổi cây thủy sinh… là giải pháp được các nhà khoa học đưa ra thảo luận để “cứu” hồ Hà Nội thoát khỏi tình trạng ô nhiễm tại Hội thảo khoa học "Cải tạo môi trường các hồ ở Hà Nội" ngày 29/04.


Sau khi xử lý thí điểm 7 hồ nước, Chi cục Bảo vệ Môi trường và Trung tâm Quan trắc Hà Nội đã thu thập thông tin và khảo sát hiện trạng 24 hồ kè bờ để tiếp tục cải tạo. Kết quả ban đầu cho thấy, các hồ đã được xử lý có hiệu quả, diễn biến chất lượng nước các hồ đang tiến triển theo chiều hướng tích cực.

Từ tìm nguyên nhân gây ô nhiễm…

HIện nay, nội thành Hà Nội có 111 hồ nhưng mới có khoảng 30 hồ xây dựng hệ thống cửa chặn nước thải. Theo Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội Bùi Thị An, Hà Nội chưa có trạm xử lý nước tập trung cho toàn thành phố, khu công nghiệp, cụm dân cư. Do vậy, nước thải và nước mưa chảy tràn làm hầu hết các hồ trong nội thành bị ô nhiễm, cả mùa khô lẫn mùa mưa.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, đang có sự mâu thuẫn giữa chức năng xử lý nước thải với tạo cảnh quan, giữa chức năng nuôi trồng thủy sản với điều hòa nước mưa của các hồ.

Một hiện tượng đáng lo ngại khác là diện tích các ao hồ đang ngày càng thu hẹp, làm giảm khả năng điều hòa. PGS. TS Bùi Thị An nêu ví dụ, hồ Tây là hồ lớn nhất của Hà Nội trước đây có diện tích khoảng 600 ha, đến năm 2004 chỉ còn 446 ha, hồ Linh Quang vốn rộng 6 ha nay chỉ còn 5,2 ha.

Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa rất nhanh và ý thức của một bộ phận dân cư còn thấp nên tại các hồ chưa được kè bờ nằm trong khu vực dân cư thường xuyên bị đổ phế thải xây dựng, đổ đất như hồ Rẻ Quạt, Tai Trâu, Tứ Liên, Đầm Ấu… 

Một số hồ còn “được” lắp đặt các đăng đó, cửa phai để dâng nước nuôi cá cũng làm ảnh hưởng đến dòng chảy thoát nước như hồ Tam Trinh, hồ Phương Liệt 1…

… đến việc đề xuất cải tạo các hồ nước của Hà Nội

Thực tế, cải tạo môi trường nước hồ và giữ được nước hồ trong sạch, bền vững là vấn đề không đơn giản, không chỉ sử dụng các giải pháp riêng lẻ.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, GS TS. Vũ Hoan, một số hồ ở Hà Nội được cải tạo vào mùa đông xuân, đến đầu hè lại tái ô nhiễm vì thiếu giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn, nếu không để lại lớp bùn đáy hoặc nạo vét hết lớp đất đáy hồ mà không cấy vi sinh vật xuống sẽ khiến các chất hữu cơ không thể phân hủy được.

Nhiều nhà khoa học có chung quan điểm nên cải tạo hồ theo hướng sử dụng “công nghệ sinh thái” như xử lý nước hồ bằng vi sinh vật hoặc các thực vật thủy sinh như cỏ nến, rong đuôi chó, chuối hoa, thủy trúc…

GS.TS Mai Đình Yên – Hội các ngành Sinh học Hà Nội cho rằng, không như việc sử dụng hóa chất, sử dụng công nghệ sinh thái trong cải tạo hồ là giải pháp thân thiện với môi trường, chi phí thấp, dễ vận hành và quản lý.

Ngoài ra, Hội Hóa học Việt Nam cũng nêu đề xuất, mỗi quận, cụm dân cư cần có trạm xử lý nước sinh hoạt; các cơ sở sản xuất, bệnh viện nhất thiết phải có trạm xử lý nước riêng và điều quan trọng là hệ thống xử lý nước phải hoạt động thực sự.

Hy vọng, với sự nỗ lực vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, việc xử lý ô nhiễm tại các hồ nước ở Hà Nội sẽ đạt được kết quả khả quan.