Nguy cơ mất các vùng đất ngập nước trong lưu vực sông Mê Kông

ThienNhien.Net – Dòng Mê Kông hùng vĩ, chảy qua lãnh thổ 6 nước, tạo nên những lưu vực trù phú, nuôi sống hàng triệu người đang phải gánh chịu nhiều áp lực. Song, các vùng đất ngập nước trong lưu vực sông Mê Kông đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Nước sông Mê Kông chảy vào các vùng trũng tạo nên các vùng đất ngập nước theo mùa hay quanh năm như Biển Hồ (Căm-pu-chia) hay các sông rạch ở đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). Trên lãnh thổ của Lào cũng có hàng ngàn vùng đất ngập nước lớn nhỏ khác nhau.

Những vùng đất ngập nước này tích nước vào mùa mưa và cung cấp dần cho sông Mê Kông vào mùa khô, chúng đóng góp đến 35% dòng chảy của sông Mê Kông. Các thảm thực vật xung quanh các vùng đất ngập nước này rất phong phú, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ nước và cung cấp dinh dưỡng cho dòng sông. Chính vì thế, mọi thay đổi của nước trên dòng Mê Kông đều có ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của hàng chục triệu người dân sinh sống trong lưu vực.

Trong bài phân tích của mình trên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 7 tháng 04/2010, TS. Dương Văn Ni – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Đa dạng Sinh học Hòa An (thuộc trường Đại học Cần Thơ) cho biết, áp lực lớn nhất hiện nay đối với hệ thống lưu vực sông Mê Kông là sự thay đổi hệ sinh thái, khai thác quá mức, ô nhiễm, xâm lấn của các loài ngoại lai và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Những thay đổi về hệ sinh thái diễn ra chậm đối với Trung Quốc và Myanmar do nơi đây chủ yếu là núi dốc và không có rừng, trong khi đó tại Thái Lan và Việt Nam, hệ sinh thái đã bị biến dạng.

Ở Thái Lan chỉ còn các cánh rừng thưa xen lẫn đất nông nghiệp, các vùng đất lâm nghiệp đã bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp và khu dân cư. Còn ở Việt Nam, nhiều diện tích rừng tràm và các vùng đất ngập nước theo mùa đã biến thành ruộng lúa, rừng ngập mặn thì biến thành các vuông tôm.

Tại Lào và Căm-pu-chia, những cánh rừng tự nhiên cũng đang dần chuyển đổi thành đất trồng cao su và cà phê, các vùng đất ngập nước chuyển thành vùng canh tác lúa.

TS. Ni cũng nhận định việc khai thác thuỷ điện, khai thác nguồn cá quá mức cùng vấn nạn ô nhiễm môi trường nước do hoạt động của các cụm công nghiệp, khu dân cư, các thành phố ở lưu vực cũng trở thành những thách thức đáng kể.

Bên cạnh đó, vấn đề xâm lấn của các loài ngoại lai như mai dương, ốc bươu vàng, cá lau kiếng cũng đe doạ đến đa dạng của dòng sông. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt độ tăng sẽ làm khả năng mất nước nhanh chóng của các vùng đất ngập nước hiếm hoi còn lại trong khu vực. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất do tác động kép của việc thiếu nguồn nước ngọt từ sông Mê Kông và xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao.

Áp lực lên các vùng rừng ngập mặn tại vùng hạ lưu cũng sẽ de doạ cuộc sống của hàng triệu dân sống dựa vào các vùng đất ngập nước này.