Brazil – “vua” bảo tồn rừng và… phá rừng

ThienNhien.Net – Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc và Trung tâm Giám sát Bảo tồn Thế giới (WCMC), Brazil là quốc gia có nhiều khu bảo tồn hơn bất cứ quốc gia nào khác trong những năm 2000, chiếm gần 60% tổng diện tích các khu bảo tồn trên đất liền trong thập kỷ này. Song trớ trêu thay, quốc gia này cũng đứng đầu danh sách các nước có tỷ lệ phá rừng cao.


Bảo tồn rừng

Đến 2008, Brazil đã có thêm hàng loạt các khu bảo tồn mới với tổng diện tích bảo tồn được mở rộng là 869.360 km2, tăng 53% so với năm 2000.

Xếp thứ hai trong danh sách các nước mở rộng diện tích bảo tồn là Australia (125.128 km2), tiếp đến là Trung Quốc (114.913km2), Peru (75.049km2), và Cộng hòa dân chủ Công gô (44.833km2).

Gabon có tỉ lệ gia tăng diện tích vùng bảo tồn cao nhất 200% – từ 15.209 km2 năm 2000, nay lên 44.270 km2; bỏ xa các quốc gia đứng sau là Peru (73%), Myanmar (59%) và Brazil (53%).

Theo dữ liệu của UNEP –WCMC, Brazil hiện có tổng diện tích bảo tồn lớn nhất thế giới với 2,52 triệu km2. Thứ hai là Nga (1,54 triệu km2), rồi đến Trung Quốc (1,45 triệu km2), Mỹ (1,36 triệu km2) và Greenland (864.306 km2).

Xét về tỉ lệ diện tích đất được bảo vệ, ít nhất là trên giấy tờ, Venezuela dẫn đầu với 71%, tiếp đến là Đức (56%), Estonia (47%), Belize (45%) và Zambia (41%).

Mất rừng

Nghịch lý thay, Brazil cũng lại là quốc gia có nhiều rừng bị tàn phá nhất trong thập kỷ qua. 175.000 km2 diện tích rừng mưa Amazon thuộc Brazil đã bị xóa sổ trong những năm 2000; một diện tích còn rộng lớn hơn của vùng Cerrado, đồng cỏ rộng lớn của Brazil, một trong những điểm nóng về bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, cũng biến mất. Ngoài ra, ít nhất 3.000 km2 diện tích rừng Mata Atlantica, khu rừng mưa đang bị đe dọa nhiều nhất của Brazil, cũng đã bị phá hủy.

Tỉ lệ phá rừng ở các nước khác hiện vẫn chưa được thống kê đầy đủ, tuy nhiên có vẻ như các quốc gia nhiệt đới như Indonesia, Myanmar, Congo, Tanzania, Peru, Zambia, Sudan và Nigeria cũng có xu hướng mất rừng như ở Brazil.

Brazil hiện đang đặt mục tiêu trút bỏ danh hiệu “vua phá rừng” vào thập kỷ tới nhằm giảm lượng phá thải khí nhà kính, vốn có tới 60% nguồn gốc là do phá rừng.

Brazil hướng tới mục tiêu cắt giảm khoảng 70% tỉ lệ phá rừng vào năm 2017, thông qua việc tăng cường thực thi pháp luật, chi trả cho cộng đồng địa phương để giữ rừng, cung cấp các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xây dựng các khu bảo tồn mới.