Thí điểm sàn giao dịch nông sản tập trung tại Kiên Giang

ThienNhien.Net – Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý về chủ trương thí điểm thành lập sàn giao dịch nông sản tập trung tại tỉnh Kiên Giang, do Công ty cổ phần MASAN thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định, hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Dự án này thuộc danh mục các dự án được vay vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/09/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu.

Trước đó, cuối tháng 11/2009, nhân dịp Festival Lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Hậu Giang, sàn giao dịch lúa gạo đầu tiên của Việt Nam cũng đã được khai trương thử nghiệm. Đây là mô hình được nông dân và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trông đợi. Sàn sẽ giúp nông dân định giá sản phẩm, từ đó tránh những đợt biến động giá thất thường gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân. Thông qua sàn, nông dân sẽ nâng cao chất lượng lúa gạo để tăng sức cạnh tranh cho xuất khẩu lúa gạo Việt Nam.

Vào ngày 06/04, một sàn giao dịch đường hiện đại đã được Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE) đưa vào vận hành. Trước đó, sáng ngày 20/03/2010 tại lễ hội “Quả điều vàng’’ tổ chức tại Đồng Xoài – Bình Phước, Sacom-STE cũng đã tiến hành giao dịch thử nghiệm sản phẩm điều nhằm tạo tiền đề cho sự ra đời của Sàn giao dịch Điều đầu tiên của Việt Nam vào tháng 07/2010.

Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam và Công ty Phố Chợ đã thống nhất sẽ xây dựng hệ thống sàn giao dịch kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm, tại các huyện thị trong quý II tới.

Việc thành lập các sàn giao dịch nông sản sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho nông dân và doanh nghiệp trong việc lưu thông các sản phẩm nông nghiệp và tiếp cận với mô hình thương mại quốc tế.

Về hình thức, sàn giao dịch nông sản cũng giống như sàn giao dịch chứng khoán hay vàng ở Việt Nam. Giá cả được cơ quan chức năng thẩm định. Sản phẩm qua sàn phải được chuẩn hóa về chất lượng và số lượng nên nông dân bán nông sản qua sàn thường được giá cao hơn so với bán ra ngoài. Sàn giao dịch ở Úc, Thái Lan cũng tương tự nhau. Nông dân mang nông sản ra trưng bày, nếu nhà tiêu thụ nhận thấy sản phẩm đảm bảo sẽ làm đơn đặt hàng, ký hợp đồng để thực hiện. Tại Hà Lan, sàn giao dịch nông sản cũng là nơi những người trồng hoa tiêu thụ sản phẩm của mình.

Có thể nói, tất cả các loại nông sản như lúa, gạo, đậu, trứng, sữa, hoa, rau, củ… đều được giao dịch qua sàn. Sàn giao dịch nông sản ở các nước phát triển khác đã giúp cho nông dân tiếp cận thị trường, người mua trực tiếp nên giá sản phẩm cao hơn. Từ sàn, nông dân cũng tiếp cận thông tin thị trường nhanh hơn và nhận được phản ứng của thị trường đối với hàng hóa của mình một cách thực tế nhất để cải thiện sản phẩm… Sàn cũng là kênh thông tin để người nông dân biết, điều chỉnh về sản lượng cho phù hợp với nhu cầu của thị trường…