Bài học chưa đủ răn đe

ThienNhien.Net – Đã một năm rưỡi kể từ khi Vedan trở nên nổi đình nổi đám cả nước với vụ xâm hại nghiêm trọng sông Thị Vải, gây bàng hoàng dư luận. Nhìn từ khía cạnh doanh nghiệp kinh doanh, bản thân thủ phạm Vedan cũng bị ảnh hưởng không ít khi bị đình chỉ hoạt động, vướng mắc vào một mớ rắc rối và nhiêu khê những giải trình, giải quyết khiếu nại, đàm phán kéo dài và các khoản đền bù, nộp phát, thu phí lên đến cả trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, bài học của Vedan chắc hẳn chưa đủ mạnh để làm nhụt "quyết tâm vi phạm" của một số (và cũng có thể là nhiều) doanh nghiệp khác.


Vụ Vedan: Giải pháp nào cho khởi kiện môi trường?

Bài toán hậu Vedan

Sau 3 tháng nằm vùng (tương đương với khoảng thời gian của vụ Vedan) , các trinh sát thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C36) mới đây đã lật tẩy được vi phạm  của Công ty Tung Kuang (trụ sở chi nhánh tại km 39 +400, Quốc lộ 5, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương).

 

Hành vi vi phạm của Tung Kuang, cũng giống như mô tuýp của nhiều doanh nghiệp vi phạm khác, là xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Điều đáng bàn ở đây là thủ đoạn tinh vi và sự cố tình, bất chấp của doanh nghiệp.

 

“Công ty đã thực hiện quy trình quản lý hệ thống ISO đồng bộ ở mọi khâu và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tất cả các hoạt động trong công ty cũng liên tục được điều chỉnh, cải tiến để phù hợp, tiết kiệm chi phí. Nhìn chung, chi phí sản xuất của công ty có khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong cùng ngành.

 

Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty luôn thực hiện tuân thủ pháp luật Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Các cổ đông của công ty quyết tâm đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.”

 

Trích báo cáo thường niên công ty CP công nghiệp Tung Kuang năm 2009

Vi phạm của Tung Kuang được Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng C36 so sánh không kém gì Vedan. Báo chí cũng cho hay, sau hai ngày thuê nhân công bóc dỡ, nhóm điều tra của C36 vẫn chưa vạch ra được toàn bộ hệ thống ngầm khu xử lý nước thải “chui” của công ty. Có những đường ống được chôn sâu tới hơn 2,5 mét dưới lòng đất.

 

Cũng không cần bàn nhiều về phát biểu của đại diện lãnh đạo Tung Kuang, ông Liu Chien Lin (Lưu Kiến Lâm), Phó tổng giám đốc khi trả lới báo chí rằng ông hoàn toàn không biết sự việc và đổ lỗi cho nhân viên vận hành.

 

Bản thân cái ma trận ống dẫn nước xả thải ngầm không có trong bản thiết kế sâu đến hàng mét kia, được che đậy bởi lớp bê tông phẳng lỳ và cây cỏ đẹp đẽ, tồn tại song song với hệ thống xử lý nước công khai của công ty được đánh giá là đạt tiêu chuẩn, đã là câu trả lời rõ ràng về sự cố tình và tìm mọi cách để vi phạm của công ty, từ “chóp bu” trở xuống.

 

Giở lại “thành tích vi phạm” của Công ty Cổ phần Công nghiệp Tung Kuang – chi nhánh Hải Dương, được biết, năm 2007, công ty từng bị Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường xử phạt hơn 100 triệu đồng, tuy nhiên đương sự đã phớt lờ không nộp phạt và tiếp tục vi phạm. Năm 2008, có đoàn kiểm tra đến Tung Kuang nhưng không phát hiện được gì.

 

Theo Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hải Dương, Tung Kuang là một trong 53 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường của tỉnh và đã có lần bị xử phạt đến 40 triệu đồng về hành vi gây ô nhiễm kéo dài, không nghiêm túc vận hành hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn.

Một số nhận định của chuyên gia ban đầu cho rằng loại hình doanh nghiệp sản xuất như Tung Kuang tuy có lượng chất thải không nhiều song rất độc hại và khó xử lý.


Nếu quả như lời ông giám đốc nhà máy kinh doanh nước Cẩm Giàng – đơn vị trực tiếp lấy nước từ đoạn sông cách ống xả của Tung Kuang một quãng ngắn – để cấp nước cho cả huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương rằng “chất lượng nước của nhà máy trong thời gian gần đây đã giảm rất nhiều và nhà máy này đang có nguy cơ phải đóng cửa“, có lẽ người dân Cẩm Giàng đã được uống nước “có vị” kim loại nặng của Tung Kuang suốt bấy lâu nay.

 

Trang web Công ty Cổ phần Công Nghiệp Tung Kuang tại Việt Nam cho biết công ty có 100% vốn của Ðài Loan và là công ty sản xuất nhôm thanh định hình đầu tiên có mặt tại Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm nhôm cao cấp. Công ty Tung Kuang là công ty nhôm đầu tiên nhận được chứng nhận ISO 9002 vào năm 1999, và phiên bản mới ISO 9001 vào năm 2001. Ngoài ra Tung Kuang còn nhận được giấy chứng nhận nhãn hiệu có uy tín tại Việt Nam năm 2003. Hiện nay Công ty Tung Kuang đã có hai nhà máy: một ở Biên Hòa – Ðồng Nai (miền Nam) và một ở tỉnh Hải Dương (miền Bắc).

 

Chi nhánh Tung Kuang tại xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương được thành lập với số vốn đầu tư 24.000.000 USD, kê khai và quyết toán thuế tại tỉnh Hải Dương. Năm 2004, chi nhánh này bắt đầu hoạt động và tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh từ chi nhánh công ty tại Hà Nội. Năm 2008, chi nhánh Hải Dương đầu tư thiết bị mới trị giá hơn 27 tỉ đồng.

 

Chủ đầu tư nước ngoài (nắm cổ phần chi phối) của Tung Kuang là Công ty Rich International LLC của Hoa Kỳ. Hiện Tung Kuang cũng là nhà đầu tư và nắm giữ quyền kiểm soát đối với công ty Tung Yang, một công ty cũng đặt tại Cẩm Giàng, Hải Dương, chuyên sản xuất, gia công, lắp đặt các sản phẩm, linh kiện, khuôn mẫu bằng kim loại.

 

Lực lượng chức năng đang cố gắng xác định ma trận xả thải nước ngầm của Tung Kuang (Ảnh: VnExpress/Nguyễn Hưng):

Tung kuang 2

tun kuang

 

tung kuang 3