Thames – Dòng sông hồi sinh

ThienNhien.Net – Trong số những dòng sông chảy qua các thành phố lớn, sông Thames ngày nay được cho là con sông sạch nhất thế giới. Đó là cả một kì tích vì 50 năm trước con sông này ô nhiễm đến mức không có sự sống.

Dòng sông chết

Từ năm 1830 đến 1860, 10 nghìn người đã chết vì tiêu chảy do nguồn nước sông Thames bị ô nhiễm nặng. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp thời đó được thải trực tiếp ra sông, và bất chấp mùi hôi thối của nó người dân vẫn buộc phải tắm giặt và uống nước từ dòng sông.

Năm 1855, trong một bài báo đăng trên The Times, nhà khoa học Micheal Faraday đã miêu tả tình trạng ô nhiễm của sông Thames mà ông có dịp quan sát qua một chuyến đi: “Cả dòng sông là một làn nước màu nâu đục… chắc chắn dòng sông chảy qua nhiều dặm London này không được phép trở thành một cái cống như vậy”

Năm 1878, một con tàu chạy bằng hơi nước mang tên Princess Alice đã bị chìm trên sông Thames sau một vụ va chạm trên sông. Gần 600 hành khách đã tử nạn, nhưng không phải vì chết đuối mà bởi sự ô nhiễm quá mức của dòng sông

Trong cuốn tiểu thuyết của mình, nhà văn Dickens cũng đã miêu tả sông Thames là một bãi lầy đen ngòm khủng khiếp, hiện trường của tội ác và giết chóc.

Các nỗ lực cứu dòng sông

Trước tình trạng ô nhiễm đáng báo động của sông Thames, năm 1861, công trình xây dựng đê sông Thames được thực hiện trong một nỗ lực cứu dòng sông. Xây dựng trên phần đất bồi do thủy triều trước đây, những đường đê này thu hẹp dòng sông và đẩy nhanh dòng chảy, khiến dòng sông đào thải nhanh hơn hàng tấn nước thải đang đổ mỗi ngày một tăng ra dòng sông. Đồng thời, một loạt con phố và đường đi bộ dọc bờ sông được xây dựng, chặn đứng một cách hiệu quả số lượng lớn các ống nước thải xả ra sông.

Cùng với kè đê sông, các nhà máy xử lý nước được xây dựng để làm sạch nước sông Thames trước khi cung cấp cho các hộ gia đình, đồng thời xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ ra sông. Nhờ đó, không những sức khỏe của người dân được cải thiện mà nước sông Thames cũng sạch hơn đáng kể.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945), nhiều hệ thống xử lí nước thải bị bom Phát xít Đức phá huỷ khiến lượng nước ô nhiễm lại có dịp chảy ra sông Thames và làm chết rất nhiều cá và các sinh vật sống ở đó.

Trong những năm 1950 các nhà máy xử lí nước thải mới đã được xây dựng và thập niên 1960 chứng kiến sự ra đời của các luật định cấm các công ty thải nước chưa xử lý ra sông.

Ngày nay, hơn một nửa lượng bùn thải của London được bán dưới dạng viên như phân bón sử dụng cho nông nghiệp.

Nhờ các nỗ lực không ngừng của London và nước Anh, một dòng sông chết đã hồi sinh và trở thành một trong những dòng sông sạch nhất thế giới.