Phân hữu cơ hoai mục – Giải pháp cho môi trường

ThienNhien.Net – Nhiều năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nằm trong trạng thái bị tác động bởi ô nhiễm môi trường, đặc biệt là do việc sử dụng phân hóa học trong chăn nuôi đã tạo ra những yếu tố gây nguy hại đến môi trường. Trước tình trạng này, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã nghiên cứu, ứng dụng phân hữu cơ hoai mục trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu cho thấy hiệu quả tốt trên ruộng và góp phần làm sạch môi trường.


Theo Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh) khi hoai mục sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khoẻ con người. Khi sử dụng đúng cách chúng không gây độc hại cho môi trường, giúp cây sinh trưởng tốt. 

Hiện nay nguồn rác, nguồn phân bò heo và dư thải rau xanh, lục bình… đầy nghẹt trên sông rạch có thể trở thành nguồn nguyên liệu làm phân hữu cơ cho ruộng đồng song chưa được khai thác tốt.

Có rất nhiều phương pháp ủ phân như ủ nổi, ủ chìm, ủ nóng hay ủ nguội tuỳ vào điều kiện của nông hộ, của đồng ruộng. Nhưng cần chú ý là ủ phân hữu cơ phải thật hoai mục mới sử dụng tốt. Vì việc ủ phân hoai mục là phương pháp chuyển phân từ trạng thái hữu cơ sang vô cơ thì cây cối mới sử dụng được và chỉ khi phân đã hoai mục thì mầm bệnh, hạt cỏ trong phân mới bị hủy diệt, phân sẽ sạch hơn.

So với phân vô cơ (phân hóa học) thì giá thành phân hữu cơ thấp, dễ làm, dễ vận chuyển. Các hộ làm rau xanh, trồng cây ăn trái hiện rất cần loại phân này. Hơn nữa, nông dân làm nghề chăn nuôi (bò, heo) thường lo ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra có thể xây hầm biogas làm phân hữu cơ nhằm giảm thiểu ô nhiểm.

Việc làm phân hữu cơ bón ruộng hiện đang được khuyến khích, không chỉ vì lợi ích của người nông dân mà còn là biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đồng ruộng nông thôn.