Chống bồi lắng hồ Ba Bể: Cần chờ đến bao giờ?

ThienNhien.Net – Cách đây 8 năm, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Thủy lợi đã kỳ công mở một cuộc điều tra nghiên cứu hàng năm trời ở hồ Ba Bể, để đưa ra kết luận: “Nếu không có biện pháp phòng chống bồi lắng phù sa từ các sông suối đổ về, hồ Ba Bể có nguy cơ biến mất trong vòng 90 năm nữa”. Thế rồi từ đó đến nay, những bãi bồi của Ba Bể ngày một lấn sâu vào lòng hồ, nhưng dự án chống bồi lắng vẫn còn nằm trên giấy…


Lật lại chuyện cũ

Trong một lần thị sát hồ Ba Bể vào tháng 07/1999, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ hồi đó đã tận mắt nhìn thấy những bãi bồi. Khi trở về, ông đã chỉ thị cho Viện Khoa học Thủy lợi nghiên cứu các giải pháp chống bồi lấp hồ Ba Bể. Và “Dự án điều tra cơ bản xác định thực trạng, nguyên nhân và định hướng giải pháp chống bồi lắng tại các cửa sông đổ vào hồ Ba Bể” của Viện đã hình thành từ đó.

Dựa trên kết quả khảo sát mà Viện thu thập được từ năm 1960, ngay cả những chuyến đi khảo sát tại lòng hồ, năm 2002, Viện Khoa học Thủy lợi đã hoàn thành dự án, và đưa ra những con số cũng như kết luận giật mình.

Có bốn con sông, suối chính nối với hồ Ba Bể: phía Nam và Tây Nam có suối Chợ Lèng, suối Bó Lù và Tả Han. Ba con suối này đổ nước vào hồ, sau khi được điều tiết, một phần nước hợp lưu với sông Năng ở phía Bắc hồ, tiếp tục chảy về sông Gâm.

Từ năm 1969 đến 1989 các vùng cửa suối vào hồ đã bị bồi lấp khoảng 15 ha. Tiếp đó, tại các vùng cửa suối phía Nam cũng như cửa hồ phía Bắc, nhiều bãi phù sa bồi lắng cứ nối dài rồi tiến dần lấn lấp hồ theo bốn hướng.

Giai đoạn từ 1989 đến 2002 lượng bồi hàng năm tăng nhanh hơn giai đoạn trước nhiều. Trung bình tăng 3,4 vạn tấn/năm, tức là tốc độ bồi lắng giai đoạn này gấp 2,7 lần so với giai đoạn trước. Với tốc độ bồi lấp đó, Viện Khoa học Thủy lợi dự đoán, chỉ khoảng 90 đến 100 năm nữa, toàn bộ hồ Ba Bể sẽ bị lấp.

Vào thời điểm 2002, tổng lượng bồi là 42 vạn m3 hay 71 vạn tấn. Lượng bồi của 3 suối phía Nam chiếm 93%. Bãi lấn vào hồ chỗ ít nhất là 10m, nhiều nhất 60m. Một nửa lượng bồi đã tấp cao vào các bãi cũ lên trung bình 20cm, nửa còn lại làm cạn dần đáy hồ trung bình 30cm.

Trên cơ sở đó, Viện đã thành lập Dự án tiền khả thi hệ thống công trình thuỷ lợi chống bồi lấp hồ Ba Bể với tổng kinh phí 263,5 tỷ đồng, bao gồm hai nội dung chính: xây dựng cụm công trình thủy lợi trên suối Bó Lù và Tả Han để chặn giữ bùn cát vào hồ và xả bùn cát ra sông Gâm, giảm 2/3 lượng bùn cát lấp hồ; xây dựng cụm công trình thủy lợi trên suối Chợ Lèng với mục đích ổn định luồng lạch cửa sông, hút phù sa ở cửa sông, trả lại diện tích mặt nước cho hồ.

Tuy nhiên, vào năm 2003, Vườn Quốc gia Ba Bể đã trình dự án này lên UBND tỉnh Bắc Kạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng chờ mãi không thấy hồi âm. Dự án đó đã gần như rơi vào quên lãng, nếu nó không được “khuấy” lên cách đây một năm vì liên quan đến một vụ “đình đám” khác về Ba Bể.


Những chiếc cọc gỗ “xí phần” mà người dân trong làng cắm ở ngoài bãi bồi trồng ngô. (ThienNhien.Net)

“Cuộc chiến” giữa Ba Bể với Nam Cường

Chưa tìm được cách xoay sở trước nguy cơ bị bồi lấp, “hòn ngọc” Ba Bể lại phải đối diện với một nguy cơ khác.

Xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, ngay cạnh hồ Ba Bể năm nào cũng phải hứng chịu thiên tai, mất mùa do ngập úng. Cánh đồng Nà Mèo của xã trong 5 vụ lúa gần đây đều bị mất trắng. Chưa kể lũ lụt làm sạt núi khiến gần như năm nào Nam Cường cũng có người bị thương vong.

Trước thực trạng đó, Ban quản lý Dự án 2, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất giải pháp tiêu úng cho Nam Cường, bằng cách làm hầm tuy nen đường kính khoảng 1,3m, dài hơn 900m đục qua núi Nam Cường sang hồ Ba Bể và làm bể chứa nước ở cửa hang để lắng cặn rồi cho chảy vào hồ.

Họ giải thích với chúng tôi là những bể chứa ở cửa hang và ở phía dưới gần hồ sẽ giúp giảm bồi lắng từ Nam Cường. Nhưng giải pháp này không thể khả thi, vì vào mùa lũ, dòng chảy của nước sẽ làm đục hồ Ba Bể, diệt nhiều loài thủy sinh. Trước đây, hồ Ba Bể vẫn sạch là do nước được lọc tự nhiên qua toàn bộ dãy núi Nam Cường kia. Để hồ Ba Bể đục nghĩa là mất hồ, sẽ chẳng còn gì để bảo tồn”, ông Nông Thế Diễn, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể chia sẻ, “Dự án này nếu tính về giá trị kinh tế, thì chỉ có lợi cho 87 hộ dân với khoảng 100 ha đất sẽ không bị ngập úng, nhưng nếu mất hồ Ba Bể thì sẽ mất muôn đời”.

Đối mặt với nguy cơ màu nước xanh thẳm triệu năm của Ba Bể sẽ không còn, những loài thủy sinh đặc hữu ở đây sẽ dần biến mất, Vườn Quốc gia Ba Bể đã tá hỏa tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của các nhà khoa học để trình lên chính quyền. Sau ba, bốn cuộc hội thảo, ý kiến của các nhà khoa học về giải pháp thoát lũ cho Nam Cường còn được mang ra chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.

Tháng 01/2009, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã lên Bắc Kạn thị sát. Sau đó Ban Bí thư đã ra Thông báo số 216 – TB/TW ngày 06/01/2009, trong đó có chỉ đạo về vấn đề thoát lũ cho Nam Cường và chống bồi lắng hồ Ba Bể.

Đến tháng 04/2009, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Ngọc Thuật đã chủ trì cuộc họp giữa Bộ với tỉnh Bắc Kạn và các đơn vị liên quan để tìm hướng giải quyết hợp lý nhất cho thoát lũ Nam Cường và kết luận: Xây dựng công trình tiêu triệt lũ cần thận trọng, giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường sinh thái, cảnh quan, văn hóa, di tích lịch sử Vườn Quốc gia Ba Bể.

Theo đó, Bộ đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Kạn làm chủ đầu tư để tuyển chọn tư vấn lập dự án theo hướng nghiên cứu các biện pháp tổng hợp làm chậm lũ, phân lũ, xây dựng đủ cơ sở vật chất để người dân có thể sinh sống tại vùng bán ngập. Việc khoan lòng núi là phương án không khả thi và sẽ được thay thế bằng các biện pháp phân lũ, trồng rừng đầu nguồn kết hợp với thủy lợi nhỏ để giảm ngập và rút nước nhanh. Đây là phương án lâu dài, cần nhiều thời gian nhưng sẽ giải quyết được việc phù sa tràn sang bồi lấp hồ Ba Bể. Mặt khác cũng sẽ tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân và nhân rộng diện tích rừng tại xã Nam Cường.
Nếu chúng tôi không quyết liệt với dự án kia (khoan lòng núi) thì họ cũng làm thật”, ông Diễn thở phào như trút khỏi được một tai họa sắp đổ ập xuống Ba Bể.

Cũng nhân câu chuyện phân lũ ở Nam Cường, một lần nữa, giải pháp chống bồi lắng hồ Ba Bể lại được khơi ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Kạn được giao nhiệm vụ soạn thảo đề án để trình Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, đã một năm từ được giao nhiệm vụ, nhưng đề án thứ hai về bồi lắng vẫn chưa viết xong. Giữa tháng 3 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn đã phải kêu lên vì “sốt ruột” và hối thúc Sở phải trình đề án lên vào cuối tháng. Mà tháng 3 đã hết, đề án vẫn chưa thấy đâu…

Phù sa … càng lấp càng đầy

Anh Phạm Văn Nam, Phó phòng Khoa học, Vườn Quốc gia Ba Bể dẫn chúng tôi đến ba điểm đầu nguồn, cũng là ba nơi bị bồi lắng nhiều nhất của hồ.

Tại đầu suối Tả Han, bùn đất đã phủ lấp mất cửa suối. Cánh đồng ngô và lúa trải ra ngút ngàn, xanh mởn. Ở bãi bồi cũ, người dân đã làm kênh dẫn nước để trồng lúa. Ở bãi bồi mới, ngô cũng đang lên xanh non. Anh Nam chỉ cho chúng tôi thấy ngôi nhà gần nhất phía cuối cánh đồng ấy, đó là cửa suối trước đây, nó cách điểm chúng tôi đỗ thuyền phải gần cây số. Cách đây 5 năm, xuồng máy vẫn đi được đến tận cánh đồng ngô, còn bây giờ vị trí đi xuồng máy đến được cứ lùi dần mỗi năm cỡ 10m.
Vậy mà sau đề tài nghiên cứu năm 2002 của Viện Khoa học Thủy lợi, cũng chả ai thèm đo đạc thêm nữa, chỉ áng chừng rồi đưa ra kết luận: Mức bồi lắng đã giảm so với trước!


“Lưỡi” cát này, hàng năm lấn ra hồ Ba Bể hàng chục mét. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Tại các cửa suối khác, tình hình bồi lắng còn tồi tệ hơn. Tại cửa Bó Lù, ngoài bùn đất, hồ Ba Bể còn phải chịu rác rưởi từ cánh đồng Nam Cường do bà con làm ruộng thải sang. Bên cạnh bãi bồi cũ, nơi diễn ra lễ hội Ba Bể mỗi dịp Tết đến xuân về, dòng suối Bó Lù bị bồi lấp cũng đã cạn kiệt, cỏ mọc xanh um, trơ lại mấy ống cống thông từ suối sang hồ giờ chẳng còn biết dùng để làm gì. Không có đồng ruộng xanh tươi như bãi soi Tả Han, bãi Bó Lù chỉ toàn cỏ dại, trông hoang tàn và ô nhiễm.

Nhưng phải đến cửa suối Chợ Lèng chúng tôi mới thấy hết mức bồi lấp chóng mặt của Ba Bể. Khi bước chân xuống thuyền, chúng tôi đã nhìn thấy ngay dưới chân mình những cái cọc được người dân cắm xuống để “xí phần” trồng ngô trên bãi bồi màu mỡ.

Theo kết quả đo năm 2002 tại cửa sông Chợ Lèng, so với năm 1960 bãi bồi đã tiến ra hồ khoảng 700m. Anh Nam chỉ cho chúng tôi mốc đo của năm 1960, đó là ngôi nhà màu trắng xa tít mù tắp, trông như một bao diêm giữa nền đồng ngô xanh thẳm rộng cỡ chục ha. “Chắc phải dài độ cây số là ít”, anh Nam ước đoán, vẫn theo cái cách áng chừng giống của một nhà nông hơn là của người làm khoa học.

Mà nếu anh Nam đoán đúng, thì 8 năm qua, bãi bồi Chợ Lèng đã trải dài thêm hơn 300m nữa, tức mỗi năm cũng ngót nghét 40m. Nghĩa là thời gian gần đây hồ Ba Bể cũng chẳng hề giảm bồi lắng so với giai đoạn 1989-2002 như ông Diễn và anh Nam đã khẳng định với chúng tôi.

Đáng lẽ, Vườn Quốc gia Ba Bể cũng có một dự án đo độ bồi lắng hàng năm cho hồ, nhưng dự án đó mãi không được duyệt kinh phí, nên nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Thủy lợi vẫn là công trình duy nhất về bồi lắng của Ba Bể và những nhà khoa học của Vườn quốc gia Ba Bể từ đó đến giờ cũng chỉ biết dựa đó để… áng chừng!

Tôi chợt nghĩ, nếu chỉ để đo độ dài của bãi bồi hàng năm (chứ chưa phải tìm hiểu độ sâu đang ngày một ngắn lại của hồ), thì chả cần đến cả dự án to tát kia, cán bộ Vườn Ba Bể vẫn hoàn toàn đo được theo cái cách đóng cọc của người dân “xí” đất. Mỗi năm họ chỉ cần đóng vào bãi bồi mấy cái cọc, năm sau đến đo từ đó ra mép hồ, rồi đóng tiếp để đo cho năm sau nữa. Đơn giản vậy thôi nhưng họ vẫn chỉ … chờ!

Cấp trên chờ, cấp dưới cũng chờ, cả cán bộ vườn cũng đang ngồi chờ dự án mới làm. Đã gần chục năm trôi qua sau cái “án” còn 90 năm tồn tại của hồ Ba Bể, nếu vẫn tiếp tục chờ, thì thế hệ con cháu chúng ta đâu còn dịp ngắm nhìn cái hồ nước ngọt rộng mênh mông tuyệt đẹp treo giữa lưng chừng vách núi ấy nữa?

Vườn Quốc gia Ba Bể thành lập năm 1992 và được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996.

Năm 1995, hồ Ba Bể được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn Quốc gia Ba Bể (cùng Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh) được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

Hồ Ba Bể nằm ở độ cao 145m so với mặt nước biển và được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi cao tới 1.754m. Các nhà nghiên cứu cho rằng nó được hình thành cách đây 200 triệu năm. Hồ mang tên là Ba Bể là do ba cái hồ thông với nhau với tổng chiều dài 8km và rộng 3km.