Bùn thải gây ô nhiễm môi trường ở Đà Lạt

ThienNhien.Net – Hồ Xuân Hương (Đà Lạt) hiện đang trong quá trình nạo vét, làm sạch đẹp cảnh quan. Tuy nhiên, lượng bùn thải từ đợt nạo vét này đã gây nên không ít hệ lụy “dở khóc dở cười” cho người dân địa phương.

Con suối đầu nguồn giữa núi rừng cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới rau, hoa… cho hàng trăm hộ dân sống phía cuối đèo Prenn và đèo Mimosa (nơi đổ bùn thải nạo vét hồ Xuân Hương) và khu vực thành phố Đà lạt từ xưa đến nay vốn trong xanh thì giờ chuyển thành suối đen khi dòng nước đầy bùn đất hòa vào.

Anh Trần Văn Trung ở phường 10, thành phố Đà Lạt buồn bã: Vườn hoa lay ơn của nhà tôi nếu bán cũng được từ 35 – 40 triệu đồng, nhưng bây giờ thì chẳng còn gì. Không có nước trong để tưới, tưới nước suối đầy bùn đất này thì hoa màu đỏ biến thành vàng quạch và chết rũ. Hàng chục gia đình hàng là láng giềng của anh Trung cũng trong tình cảnh tương tự.

Theo Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) ngày 5/4/2010 thì, chiểu theo dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt để triển khai việc nạo vét hồ Xuân Hương, đơn vị thi công phải xây bờ kè bằng rọ sắt, đá phía dưới bãi thải để chắn lượng bùn thải, đảm bảo bùn đất thải không chảy tràn xuống khe núi (nơi có dòng suối) thế nhưng hạng mục này không được thi công trước khi đổ bùn thải. Vì vậy, một phần không nhỏ lượng bùn thải đả chảy tràn theo các khe núi, rồi lẫn vào dòng suối chảy về khu vực thành phố Đà Lạt.

Được biết, đây là lần thứ 3 hồ Xuân Hương được nạo vét, sửa chữa (sau lần đầu vào năm 1985; lần thứ hai trong 2 năm 1997 – 1998).