Hướng về Mê Kông

ThienNhien.Net – Kết quả hội nghị cấp cao Uỷ ban sông Mê Kông sẽ không thể hứa hẹn như mong đợi, Trung Quốc cũng sẽ không dễ dàng thừa nhận trách nhiệm của mình với các quốc gia vùng hạ nguồn Mê Kông – đó là điều mà các tổ chức hoạt động môi trường và cộng đồng bị ảnh hưởng đã biết đến. Song, tại quốc gia chủ nhà nơi diễn ra hội nghị, các tổ chức môi trường và những người dân vẫn rất tích cực đóng góp tiếng nói của mình với hy vọng thúc đẩy tiến trình đàm phán cấp cao khu vực. Và chắc chắn rằng, những nỗ lực của họ sẽ không dừng lại.

Nỗ lực đáng kể nhất gần đây phải nói đến Liên minh sông Mê Kông, sau loạt vận động hưởng ứng chiến dịch cứu sông Mê Kông, chia sẻ thông tin, làm việc với các cộng đồng cư dân Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, đã chính thức đề nghị chính phủ mở cuộc đối thoại trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề kiểm soát nước sông Mê Kông. 

Ngay trước hội nghị cấp cao Ủy ban sông Mê Kông diễn ra, một loạt hoạt động nhằm chia sẻ các vấn đề liên quan đến sông Mê Kông cũng đã được tổ chức tại Băng Cốc, như Diễn đàn “Chia sẻ sông Mê Kông” tại Trung tâm nghiên cứu Mê Kông thuộc Đại học Chulalongkorn (ngày 01/04), Diễn đàn của những người bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển trên sông Mê Kông (vào ngày 02/04), Tiếp cận Đại sứ quán Trung Quốc (sáng 03/04) nhằm gửi thư kiến nghị tới vị lãnh đạo đại diện của Trung Quốc tham gia hội nghị cao cấp MRC tại Hua Hin.

Các hoạt động đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả, nhà hoạt động xã hội đến từ 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông cũng như cộng đồng những người dân Thái bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện. Nhiều các dữ liệu khoa học liên quan đến sự thay đổi về hệ sinh thái như ở Biển Hồ (Cam Pu Chia), sự lên xuống thất thường của mực nước tại lưu vực sông (ở Thái Lan), tình trạng khô hạn nghiêm trọng, lũ lụt, động đất, hay sự xâm nhập của nước biển tại đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam)  vđã được công bố. Những quan sát và ghi nhận từ kinh nghiệm thực tế của người dân sinh sống ven sông cũng đã được sử dụng làm những minh chứng thực tế về thực trạng môi trường và sinh kế khó khăn mà người dân đang phải đối mặt.

 


Dòng người cổ động đứng trước đại sứ quán Trung Quốc với mục đích gửi thư kiến nghị tới Chính phủ Trung Quốc tại Hội nghị cấp cao lần thứ 15 của MRC (tổ chức tại khu nghỉ mát Cha Am – Hua Hin, Thái Lan).

 

Tại diễn đàn mở và buổi tiếp cận đại sứ Trung Quốc ở Băng Cốc, nhóm các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì sông Mê Kông Thái Lan và người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã tận dụng các nghi lễ văn hóa truyền thống của Thái nhằm thu hút sự chú ý, ủng hộ cũng như sự đoàn kết của đông đảo người tham gia: Lễ cầu may cho mọi người và cầu phước lành cho dòng sông cùng các bài hát cổ động kêu gọi sự đoàn kết của nhân dân thuộc 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông trong việc gìn giữ và bảo vệ dòng sông quốc tế, bảo vệ dòng sông Mẹ, nơi khởi nguồn của văn hóa và sự sống.

Biểu tượng Naga – rắn thần trong tín ngưỡng Phật giáo với ý nghĩa nguyên thủy tượng trưng cho nguồn nước và những quyền năng mà thiên nhiên ban tặng cho con người đã được khai thác để thu hút sự quan tâm và hưởng ứng hành động của mọi người. Trong lễ cổ động, người dân đã dùng nhiều biểu ngữ và khẩu hiệu bằng cả tiếng Thái và tiếng Anh nhằm kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ sông Mê Kông: “Hãy để dòng Mê Kông chảy tự nhiên”, “Sông Mê Kông là dành cho tất cả mọi người”, “Nếu bạn đã từng nghe mọi người khóc, hãy ngừng ngay các công trình thủy điện”.

 

Lễ cầu may cho dòng sông Mê Kông, cho tất cả những ai chung tay bảo vệ sông và cho cả phong trào.

Qua các diễn đàn và hoạt động cổ động diễn ra sôi nổi trên đường phố, có thể thấy một bộ phận cư dân sinh sống trong lưu vực Mê Kông đã có ý thức rất rõ  về những tác động mà họ đang và sẽ tiếp tục phải gánh chịu. Họ đã cất lên tiếng nói để bảo vệ cộng đồng của mình.

Sản phẩm đáng ghi nhận cho những nỗ lực trên là việc lá thư kiến nghị do các nhóm tổ chức phi chính phủ môi trường của Thái Lan và đại diện người dân nơi bị ảnh hưởng bởi các dự án trên sông Mê Kông chuẩn bị đã được trao tay trực tiếp cho vị đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc, với hi vọng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ thể hiện thiện chí và có hành động cụ thể hơn để các quốc gia trong khu vực cùng hợp tác quản lý dòng sông chung.