Nhân rộng mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng

ThienNhien.Net – Cần trả phí cho những dịch vụ môi trường từ rừng để sử dụng cho việc phát triển rừng và đời sống người trồng rừng. Đây là nội dung chính được đề cập trong Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng, do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chủ trì ngày 09/03.


Khởi đầu hiệu quả

Rừng tạo ra các dịch vụ về môi trường như điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho thuỷ điện… và cho đến nay chưa có cơ chế chính thức nào để những tổ chức, cá nhân (như các nhà máy thủy điện…) sử dụng những dịch vụ trên trả lợi nhuận cho người chăm sóc rừng.

Do đó, việc thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La và Lâm Đồng được coi là bước đệm cần thiết để nghiên cứu, cân nhắc một cơ chế hiệu quả cho vấn đề này.

Sau gần hai năm triển khai quyết định, UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La đã tổ chức rà soát diện tích rừng được giao, cho thuê hoặc khoán bảo vệ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để làm cơ sở cho việc xác định đối tượng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị, cho đến nay, các đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (các nhà máy thuỷ điện, công ty cung cấp nước…) đã đồng thuận cao với chính sách thí điểm, thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc chi trả tiền dịch vụ.

Đồng bào các dân tộc trong vùng thí điểm cũng đón nhận chính sách rất nhiệt tình. Người dân thực hiện việc tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên hơn; đơn vị chủ rừng, hộ nhận khoán và chính quyền địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ.

Nhờ vậy, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép ở hai tỉnh thí điểm đã giảm đáng kể. Năm 2009, tỉnh Lâm Đồng chỉ còn 50% số vụ vi phạm về rừng so với năm 2008. Tại Sơn La, rừng hầu như không bị khai thác trái phép, hiện tượng phá rừng làm nương rẫy cũng không còn.

Nhân rộng mô hình

“Đây là một chính sách có tính xã hội cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo rất thiết thực. Cách thức quản lý này đã có ý nghĩa thực tiễn trong bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng một cách hợp lý nhất”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đánh giá.

Biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc đưa chính sách đi vào cuộc sống nhưng Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể, phạm vi triển khai còn hẹp; các tính toán đầu ra, đầu vào của việc chi trả phí chưa khoa học; công tác quản lý chưa thật tốt, chưa xác định rõ đối tượng chủ rừng; việc chi trả phí còn gặp nhiều khó khăn.

Sau khi nghe báo cáo của tỉnh Sơn La về việc các đơn vị trong địa bàn tỉnh đã nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hơn 60 tỉ đồng nhưng mới chi trả cho các chủ rừng gần 10 tỉ đồng, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh không nên quá cầu toàn, cần vừa làm, vừa nghiên cứu, rà soát để các chủ rừng được chi trả kịp thời.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần nhân rộng mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cộng đồng quốc tế, đại diện của Chương trình Bảo tồn Đa dạng sinh học vùng Châu Á (ARBCP – Winrock), Dự án Lâm nghiệp Việt Đức thuộc Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) cũng đánh giá rất cao chính sách của Việt Nam. Việt Nam đang trở thành nơi để các nước trong khu vực học hỏi kinh nghiệm, mô hình này sẽ sớm được nhân rộng ra các nước trong khu vực, đặc biệt là Lào, Campuchia và Thái Lan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đến hết tháng 12/2010 hoặc đến khi Nghị định về chính sách này có hiệu lực và cho phép các tỉnh: Kon Tum, Ninh Thuận, Quảng Nam được thực hiện thí điểm.

Ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Địa bàn hành chính chọn thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2009 – 2010 thuộc các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh và thành phố Đà Lạt. Đây là các lưu vực điều tiết, cung cấp nguồn nước cho sản xuất của nhà máy thuỷ điện Đại Ninh, Đa Nhim… và 9 doanh nghiệp với 14 điểm tham quan du lịch sinh thái.

Năm 2009, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ước thu hơn 55 tỉ đồng. Mức chi trả dịch vụ môi trường rừng: Lưu vực hồ thuỷ điện Đa Nhim là 290.000 đồng/ ha / năm; hồ thuỷ điện Đại Ninh là 270.000 đồng/ ha/ năm; lưu vực sông Đồng Nai là 10.000 đồng/ ha/ năm.

Ông Cầm Văn Chính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Tỉnh đã thực hiện thí điểm chính sách tại 9 huyện. Khó khăn lớn nhất là thực hiện dự án rà soát diện tích rừng trên thực địa đã giao, cho thuê hoặc khoán bảo vệ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình…

Hiện, các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành định mức cụ thể về rà soát điều chỉnh giao đất, giao rừng trong khi khối lượng công việc rất lớn với 156 xã, diện tích rừng khoảng 397.000 ha, thuộc quản lý của 52.000 chủ rừng.

Năm 2009, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của Sơn La là hơn 60 tỉ đồng, mới trả phí cho các chủ rừng hơn 10 tỉ đồng. Mức chi trả cho 1 ha rừng năm 2009: Rừng phòng hộ là rừng tự nhiên: 140.243 đồng/ ha/ năm; rừng phòng hộ là rừng trồng: 126.219 đồng/ ha/ năm; rừng sản xuất là rừng tự nhiên: 84.146 đồng/ ha/ năm; rừng sản xuất là rừng trồng: 70.121 đồng/ ha/ năm.