Cá heo giúp nghiên cứu phòng bệnh tiểu đường

ThienNhien.Net – Loài vật thí nghiệm tốt nhất để nghiên cứu bệnh tiểu đường tuýp 2 không phải là chuột hay động vật linh trưởng mà là cá heo. Đó là công bố của các nhà nghiên cứu trong một buổi họp báo thường niên của Hiệp hội Phát triển Khoa học Hoa Kỳ diễn ra giữa tháng 2/2009 tại San Diego.


Năm 2007, bác sĩ dịch tễ thú y Stephanie Venn-Watson của Hiệp hội Động vật Biển Quốc gia Hoa Kỳ tại San Diego và nhà nghiên cứu động vật Sam Ridgway thuộc Đại học California, San Diego đã có phát hiện đáng ngạc nhiên về loài cá heo mũi chai (Tursiops trupcatus).

Sau 7 năm nghiên cứu mẫu máu của 52 con cá heo, họ đã phát hiện ra rằng các thành phần hóa chất trong máu của cá heo lúc đói giống với người bị bệnh tiểu đường – hàm lượng đường và các phân tử hóa học khác như enzyme gamma-glutamyl transpeptidase cao hơn bình thường, trong khi đó hóa chất trong máu sau khi ăn lại không khác gì người khỏe mạnh.

Bác sĩ Venn-Watson cho biết điều này cho phép cá heo duy trì lượng đường phù hợp trong khi ăn thức ăn có hàm lượng protein cao.

Năm ngoái, nhóm nghiên cứu đã mô tả những dấu hiệu phức tạp gắn với bệnh tiểu đường quan sát thấy ở cá heo. Một số cá heo bị mắc bệnh thừa sắt và hàm lượng triglycerides cao, những vấn đề gắn liền với bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người. Một vài con trong số này còn có biểu hiện kháng insulin.

Mới đây, nhóm còn ghi nhận thêm tình trạng citrate trong nước tiểu thấp ở cá heo. Giống như con người, những con cá heo này có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận cao.

Theo Venn-Watson, cá heo có thể là mô hình nghiên cứu bệnh tiểu đường lý tưởng nhất vì những biểu hiện “bệnh” của nó gần với bệnh tiểu đường ở con người hơn là chuột, mèo, lợn hay động vật linh trưởng. Việc làm sáng tỏ phương thức cá heo chuyển tình trạng “giống bệnh tiểu đường” sang tình trạng bình thường, cùng nguyên nhân và diễn biến của quá trình này có thể tiết lộ những manh mối quan trọng để phòng bệnh tiểu đường ở người.