Hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong học đường

ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu. Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách không của riêng ai. Có một thực tế là hiện nay, trong khi các quốc gia phát triển có môn học riêng về môi trường thì Bảo vệ môi trường trong trường học ở một số nước đang phát triển như Việt Nam mới chỉ được đưa vào một số tiết học ngoại khóa. Các cuộc thi ý tưởng Bảo vệ môi trường dành cho học sinh, sinh viên cũng chỉ nặng về hình thức trong khi môi trường cần ý thức bảo vệ thường trực trong mỗi bạn trẻ. Vậy làm thế nào để nâng cao ý thức cho giới trẻ?


Giáo dục môi trường chưa được chú trọng

Hiện nay, kinh phí đầu tư vào các chương trình tuyên truyền môi trường của nhà nước không phải là nhỏ. Số tiền này được chi cho các hoạt động truyền thông, các cuộc thi ý tưởng, các ngày hội môi trường… Tuy nhiên, hiệu quả thu được từ những chương trình như vậy chưa hẳn đã cao so với giáo dục trong trường học. Bởi lẽ, giáo dục học đường là cách giáo dục thường xuyên và lay động lớn nhất đối với lớp trẻ.

Song thật đáng tiếc là hiện nay, việc giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học chưa được chú trọng đúng mức. Ý thức bảo vệ môi trường vì thế chưa hình thành trong cộng đồng học sinh, sinh viên và đáng buồn là cả ở giáo viên.

… và hệ quả

Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào tình trạng hút thuốc trong trường học, xả rác bừa bãi, sử dụng điện nước lãng phí… Ngay trong những trường đại học lớn, dù đã có những thùng rác phân loại nhưng rất ít người có ý thức phân loai rác. Thậm chí, bên cạnh thùng rác vẫn chỏng chơ rác thải, sản phẩm của những người ngại lại gần thùng rác. Bên cạnh các bến xe buýt gần trường học, rác xả bừa bãi, điển hình là những tờ quảng cáo, túi ni-lông, giấy gói thức ăn…

Tình trạng sử dụng năng lượng và nước lãng phí không phải là điều hiếm gặp trong nhà trường. Ở không ít nơi, các thiết bị chiếu sáng, quạt, điều hòa nhiệt độ được sử dụng “vô tội vạ”. Thiết bị điện không được tắt sau khi sử dụng, nước được xả thoải mái, giấy cũng bị phung phí. Cộng đồng trường học vẫn chưa có thói quen dùng loại “giấy một mặt”, cũng chưa có thói quen dùng các thiết bị công nghệ như gửi mail, file để thay cho giấy…

Tại các trường học hiện nay, các thiết bị tiết kiệm điện chưa được dùng phổ biến. Có lẽ tâm lý “dùng của chùa” vẫn còn đậm nét trong học đường.

Giáo dục từ những điều nhỏ nhặt…

Trong khi các quốc gia phát triển có môn học về môi trường ở mọi cấp học thì ở Việt Nam ngoại trừ các ngành học chuyên về môi trường, thì Bảo vệ môi trường chưa được xem là một môn học, mà mới chỉ được đem vào một số tiết học ngoại khóa.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi một môn học chính thức, nếu các thầy cô giáo biết cách lồng ghép thường xuyên vấn đề này trong các bài giảng của mình thì hiệu quả chắc chắn không phải là nhỏ. Sở dĩ như vậy vì thầy cô giáo vừa là những tấm gương rất thuyết phục, vừa là những người có sức lay động, cảm hóa sâu sắc. Thầy cô cũng là những người ngày ngày tiếp xúc với học sinh, sinh viên. Một lời nói của thầy cô có thể tác động trực tiếp và lớn lao hơn cả những chương trình truyền thông khô cứng.

Giáo dục môi trường có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt. Các thầy cô nên lồng ghép vào bài giảng thực trạng môi trường hiện nay, các biện pháp cụ thể để Bảo vệ môi trường. Không chỉ trên bài giảng, nếu trong cuộc sống hàng ngày, các thầy cô đi tiên phong trong việc tiết kiệm năng lượng, nước, giấy, phân loại rác thải… thì hiệu quả sẽ tăng lên gấp đôi. Các thầy giáo có thể làm gương cho các học sinh, sinh viên bằng việc không hút thuốc lá trong trường học.

Không chỉ kêu gọi và làm gương, các thầy cô nên khuyến khích học trò tự giám sát việc bảo vệ môi trường của nhau. Chỉ bằng những hành động nhỏ như nhắc nhở, tuyên dương cũng đã góp phần hình thành ý thức môi trường ở những công dân trẻ.

Nhà trường cũng nên đầu tư các thiết bị tiết kiệm điện, khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng các phương tiện công cộng; xây dựng các quy định về tiết kiệm năng lượng, giấy, nước sạch.

Trong các ngày hội của trường học như Ngày Khai trường, Ngày nhà giáo, ngày thành lập Đoàn, thành lập Đội, nên tổ chức cho giáo viên, học sinh, sinh viên quyên góp các sản phẩm không còn sử dụng như quần áo, đồ dùng, sách báo cũ để trao đổi nhằm sử dụng tiếp hoặc trao tặng lại cho các học sinh nghèo, đồng bào vùng khó khăn. Các hoạt động này nên tổ chức thường xuyên vì rất thiết thực và hiệu quả – vừa tiết kiệm, vừa bảo Bảo vệ môi trường.

Singapore, quốc đảo có môi trường xanh sạch bậc nhất thế giới đã thành công trong việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Đất nước này áp dụng các biện pháp xử phạt rất nghiêm khắc với những người vi phạm luật môi trường như phạt tiền, phạt lao động, thậm chí còn bị đăng ảnh lên báo.

Việt Nam chưa có luật lệ cụ thể nhưng các trường học có thể đi tiên phong trong việc áp dụng các quy định môi trường. Các biện pháp khuyến khích phải thật cụ thể. Ví dụ đưa ý thức bảo vệ môi trường thành một tiêu chí để đánh giá, xếp loại giáo viên, học sinh, sinh viên.

Có thể tin chắc rằng nếu ý thức bảo vệ môi trường trở nên thường trực trong trường học thì không chỉ các giáo viên, học sinh, sinh viên được hưởng một môi trường học đường trong lành hơn, mà về lâu dài, thế hệ tương lai sẽ làm tốt việc chung tay bảo vệ môi trường.