Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu cho tỉnh Kiên Giang

ThienNhien.Net – Trong nhiều năm gần đây, diễn biến khí hậu thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho con người, nhiệt độ ngày càng tăng cao và lượng mưa thay đổi thất thường. Tại Kiên Giang, biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái biển, gây thiệt hại không nhỏ cho hoạt động du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Kiên Giang. Do đó, việc triển khai áp dụng tổng hợp các biện pháp nhằm ứng phó với tình trạng này là rất cần thiết.

Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn số 1/2010, tác giả Thái Thành Lượm – Sở Tài Nguyên và Môi trường Kiên Giang – cho biết, nếu mực nước biển dâng cao hơn mực thủy chuẩn 0,5m thì hơn 50% diện tích đồng bằng của Kiên Giang sẽ bị chìm, nếu mực nước cao hơn 1m thì 66% diện tích đồng bằng bị chìm và nếu mực nước dâng lên 1,5m thì 71% diện tích đồng bằng sẽ mất.

Bên cạnh đó, nền nhiệt độ cũng ngày càng tăng cao, đặc biệt là vào tháng 3 và tháng 4 là thời kỳ hạn hán gay gắt. Trong khi đó, lượng mưa lại phân bố không đều, tập trung chủ yếu vào một số tháng trong mùa mưa, do đó, dễ gây hiện tượng lũ quét cục bộ và hạn hán, cháy rừng…

Trước thực trạng này, tác giả Lượm cho rằng, địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp tổng hợp, nhằm ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu, trong đó, cần chú ý đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo biến đổi khí hậu; hệ thống đê bao và dự án đập ngăn nước biển, dự án tiêu thoát nước cục bộ và các trạm bơm dọc bờ biển. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống đai rừng ngập mặn tương đối rộng (tối thiểu hơn 50m) để ngăn chặn sóng biển và nước biển dâng; tích cực trồng cây xanh chắn gió theo mô hình canh tác tổng hợp phía sau đê biển; xây dựng dự án mô hình nhà và mô hình làng sống chung với nước biển dâng…