Thanh niên Khơmer lập nghiệp trên mảnh đất quê hương

ThienNhien.Net – Xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cảm nhận được sự nhọc nhằn của cha mẹ khi hàng ngày phải “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời”, những thanh niên nông thôn ở Cà Mau đã cố gắng lao động sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là những thanh niên người dân tộc, điển hình như các bạn trẻ Khơmer ở ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh.


Hiện nay, trong khi phần đông thanh niên nông thôn đều bỏ quê hương đi các tỉnh khác tìm công ăn việc làm, thì bạn Kim Thị Điểm vẫn bám trụ mảnh đất quê hương để lao động sản xuất. Năm nay vừa tròn 19 tuổi, là người con thứ 5 trong một gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Hàng ngày, ngoài việc quán xuyến công việc gia đình, Điểm còn cùng cha mẹ chăm bón trên 600m2 đất được lên liếp để trồng hoa màu và 05 ao nuôi 1500 con cá bống tượng.

Không những vậy, gia đình còn mướn thêm 10 công đất để làm ruộng, nên hầu như lúc nào Điểm cũng miệt mài lao động.

Hay trường hợp của bạn Đào Phương Bình là bộ đội xuất ngũ năm 2006, Bình cũng trở về quê lập nghiệp từ đó. Nhà có 17 công đất ruộng đều do Bình cùng cha sản xuất. Ngoài ra, với 700m2 đất quanh nhà đều do một tay Bình vun xới, canh tác. Từ hai vụ trồng hoa màu, mỗi năm thu lợi trên 15 triệu đồng. Khi được hỏi vì sao các thanh niên có hoàn cảnh tương tự như Bình đa phần đều đi các tỉnh khác để tìm việc làm, còn Bình thì lại chọn cách bám trụ quê hương lập nghiệp, Bình mỉm cười và nói “em thấy mình có sẵn đất đai, nếu biết tận dụng và chịu cực một chút thì sẽ tạo được cuộc sống ổn định. Vả lại lập nghiệp trên quê hương mình thì bền vững và đáng quý hơn”.

Xã Khánh Hòa, huyện U Minh là nơi có đông đồng bào dân tộc Khơmer sinh sống, trong đó, ấp 6 là nơi đồng bào dân tộc tập trung đông nhất. Số lượng thanh niên người dân tộc khoảng 130 người, nhưng trên thực tế số thanh niên ở lại địa phương còn không quá một nửa. Mặc dù phần đông thanh niên là lao động chưa qua đào tạo nhưng họ đã bỏ quê hương đi làm ăn ngoài tỉnh.

Trong xã hội ngày nay, trước những áp lực của cuộc sống thì những cách nghĩ, cách làm như bạn Điểm, bạn Bình là rất đáng trân trọng. Qua đây cho thấy, nếu sống có hoài bão, có khát vọng vươn lên chính đáng, thì những thanh niên nông thôn vẫn có thể ổn định cuộc sống, làm giàu trên mảnh vườn, thửa ruộng của quê hương mình.