Hiểm họa từ dây leo bìm bìm ở Sơn Trà

ThienNhien.Net – Xuất hiện từ cuối năm 2008 ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng), dây leo bìm bìm đã phát triển khá nhanh, lấn át và che phủ các loại cây khác, làm thay đổi hệ sinh thái, thậm chí gây chết rừng. Cho đến nay, bìm bìm vẫn tiếp tục lan rộng, dù UBND thành phố (TP) Đà Nẵng đã nhiều lần tìm cách xử lý loại dây leo này.


Hiện, dây leo bìm bìm đã bao phủ khoảng 920ha trong tổng số hơn 4.000ha tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Ngoài ra, loại dây leo này cũng đã lan rộng ở rừng đặc dụng Nam Hải Vân với tổng diện tích gần 1.100 ha.

Theo Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, loại dây leo này là loài bìm bìm Bois, thuộc họ khoai lang, có tên khoa học là Merrenaia boisiana, là loại cây bản địa ưa sáng, dây leo to, đường kính thân 5 – 8cm, khả năng tái sinh chồi rất nhanh và mạnh. Đặc biệt, chúng có khả năng phát triển mạnh nhất trong hệ sinh thái cây rừng tại bán đảo Sơn Trà. Với tốc độ lây lan nhanh như vài năm gần đây thì trong tương lai không xa, dây leo bìm bìm sẽ bao phủ toàn bộ hệ sinh thái tại Sơn Trà.

Do đó, qua nghiên cứu, giải pháp tối ưu để xử lý dây leo bìm bìm là chặt hạ tận gốc bằng biện pháp thủ công.

Tuy nhiên, mặc dù 3 tháng nay Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng triển khai lực lượng để xử lý tận gốc dây leo bìm bìm ở Sơn Trà, tiến độ vẫn chậm so với sự phát triển của bìm bìm.

Trước tình trạng này, ngày 27/02, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự TP tiếp tục triển khai lực lượng, xử lý số diện tích dây leo bìm bìm còn lại, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án triệt hạ bìm bìm trình UBND TP xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Đà Nẵng cũng cần chuẩn bị phương án trồng cây rừng tại các khu vực triệt hạ bìm bìm, nhằm hạn chế tình trạng sạt lở khi có mưa lũ xảy ra.