Rừng đau ngày Tết

ThienNhien.Net – Đến với Hang Kia, Pà Cò – nơi duy nhất của tỉnh Hòa Bình có đồng bào H’Mông sinh sống trong những ngày cuối năm này, dù không khí rộn ràng của xuân mới đã tràn về, người viết không khỏi chạnh lòng trước thực trạng những cánh rừng khu bảo tồn nơi đây đang bị người dân khai thác quá mức để lấy gỗ làm củi…


Theo tập quán của người H’mông cứ đến cuối năm, khi hoa mận nở trắng bản, bà con lại dập dìu lên rừng lấy củi. Củi lấy trong thời gian này sẽ dùng để đun cả năm, bắt đầu và quan trọng nhất là vào những ngày tết cổ truyền dân tộc. Người H’mông ở Hang Kia – Pà Cò ăn tết vào tháng chạp hàng năm, cái tết kéo dài tới cả tháng.

Khi chúng tôi đến, đống củi đun của nhà chị Ký đã được xếp gọn ghẽ ngang chái bếp, phủ bạt chống mưa. Để có đống củi ấy, vợ chồng chị phải đốn mất 3 ngày ở cánh rừng cách nhà 6 cây số, thuê xe tải chở mới hết.

Không riêng nhà chị Ký, trên khắp các bản làng người H’mông ở Hang Kia – Pà Cò, nhà nào cũng vậy, tới giờ này, những đống củi to lù đã chễm chệ chiếm một góc vườn hoặc nằm ngay sát nhà. Trung bình mỗi nhà 4 – 5 khối, nhà nào ít cũng không dưới 3 khối gỗ củi. Là củi, nhưng thanh nào thanh nấy tròn trịa, trắc nịch, cưa nhẵn thín hai đầu, đường kính tới 20 – 30 phân chẳng ít, mỗi thanh củi một thanh niên khoẻ may ra ôm đặng, chứ chẳng lèo quèo, nhẹ bẫng như củi khô dưới xuôi.

Gỗ bà con lấy, chủ yếu là thân cây rừng, lại phải lựa gỗ chắc đun lâu mới lấy: “Mình lấy gỗ to thì nhanh hơn, chứ lấy cây nhỏ thì lâu lắm. Hơn nữa gỗ tròn to thì bổ nó cũng dễ, không mất công” – Sùng A Lúa, người đàn ông bản Pà Háng lớn nói với chúng tôi.

Ngày nay lấy củi có xe tải chở, cưa máy xén, nên “công cuộc” lấy củi của bà con nhẹ nhàng và dễ dàng hơn nhiều. Một chuyến xe nhà chị Ký thuê không quá tốn kém, khoảng ba bốn trăm nghìn.


Nỗi đau của Khu bảo tồn Hang Kia – Pà Cò.

Ở Hang Kia – Pà Cò, rừng mọc tự nhiên từ ngàn đời, không có rừng trồng. Xưa nay, bà con vẫn vô tư vào rừng lấy củi đun như vậy, kể cả khi người ta đã quây rừng thành khu bảo tồn, có người trông giữ. Bao cây xanh một thời sừng sững trên các sườn núi đá Hang Kia – Pà Cò giờ đây phải chịu phận làm mồi cho thần lửa.

Chỉ vào đoạn gốc của một thân cây gỗ lớn bị bổ toạc, nhựa kết vàng quánh như mật ong rừng, nằm ngổn ngang giữa sân, đồng chí kiểm lâm viên của Trạm Kiểm lâm bản Xà Lính, xã Pà Cò bảo với chúng tôi: “Gốc cây này trạm phát hiện và thu giữ của người dân từ tuần trước. Là gỗ trai, gỗ quý hiếm”.

Ông Nguyễn Mạnh Dần – Trưởng Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBT) Hang Kia – Pà Cò thở dài: “Cứ đến cuối năm, KBT lại căng mình ra trước từng đoàn lấy củi của bà con. Đáng lo hơn, xu hướng càng ngày bà con càng “chuộng” gỗ thân cây to làm củi, nên rừng trên địa bàn bị mất mát đáng kể. Chúng tôi kiểm soát không xuể”.

Trong chuyến lên rừng sau đó, chúng tôi đã mục sở thị hình ảnh rất nhiều thân cây sóng sượt nằm, đường kính gốc bằng cả người lớn ôm. Những vết búa, đường cưa vẫn còn in hằn thân cây. Cũng không ít gốc cây đã lên xanh nấm, rêu.

Đó là những hình ảnh chứng thực cho lời chia sẻ thật thà của của chị Ký : “Trên rừng nhiều cây khô lắm, cây chết đứng cũng có, thấy thì mình lấy cưa cưa về thôi…”

Chúng tôi bắt gặp nhiều thân gỗ bị đốn như thế này trên rừng Pà Cò.

Chúng tôi bắt gặp nhiều thân gỗ lớn bị đốn như thế này trên rừng Pà Cò. Theo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thì bà con được phép lấy cành củi khô về đun. Nhưng khi vai trò quản l‎ý rừng bị buông lỏng, vô hình trung chủ trương hợp tình hợp l‎ý đó bị người dân “mượn cớ” phá rừng.

Ông Sùng A Sa, Chủ tịch UBND xã Pà Cò tâm sự: “Nếu cứ để bà con lấy gỗ to thế này làm củi đun thì rừng Pà Cò nguy mất. Vì thế, chúng tôi định sang năm 2010 sẽ vận động các thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng, và quản l‎ý chặt chẽ hơn việc lấy củi của người dân”.

KBT Hang Kia – Pà Cò nằm trên 6 xã Pà Cò, Hang Kia, Tân Sơn, Bao La, Cun Pheo và Piềng Vế, thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. KBT thành lập năm 1986, có diện tích 7.091ha.

 

Tuy không lớn nhưng KBT Hang Kia Pà Cò có tính đa dạng sinh học cao, đặc biệt là hệ thực vật. 35 loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; 16 loài được bảo vệ bởi Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính Phủ, 13 loài được liệt trong Sách đỏ thế giới IUCN.

 

Công tác bảo vệ rừng và giá trị đa dạng sinh học ở Hang Kia – Pà Cò hiện gặp nhiều khó khăn, do sức ép kinh tế và sức ép dân số. Trong vùng lõi KBT có rất nhiều dân cư sinh sống, trong đó có hơn 1.000 hộ dân H’mông tại các xã Hang Kia và Pà Cò.  

 

Theo nghiên cứu ban đầu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, người Mông đến định cư ở Hang Kia – Pà Cò chưa lâu nên hệ thống kiến thức bản địa của họ về bảo vệ rừng không phong phú. Cũng có nhận định rằng, người Mông ở đây thiên về khai thác sử dụng tài nguyên rừng sẵn mà ít chú ý đến việc duy trì và bảo tồn nguồn tài nguyên này.