Người dân bản địa phản đối REDD

ThienNhien.Net – Có một nghịch lý rằng trong khi Hội nghị Thượng đỉnh về Thương mại Các-bon thường niên lần thứ hai vẫn đang diễn ra sôi nổi, thì ngay trước thềm hội nghị, những người dân bản địa đã tụ tập đông đúc và lên án rằng việc “bán bầu trời” không chỉ làm vấy bẩn những giá trị thiêng liêng mà còn phá hủy khí hậu, vi phạm quyền con người và đe dọa sự sống còn của các nền văn hóa bản địa.

Với một thái độ phẫn nộ, đại diện Mạng lưới Môi trường Bản địa cho rằng buôn bán và trao đổi các-bon là một tội ác chống lại nhân loại và Đấng Sáng tạo. Thị trường các-bon chẳng qua chỉ là một phương thức tư hữu hóa khí quyển và tiếp tay cho các tập đoàn lớn – những “tội phạm khí hậu” – để họ tiếp tục gây ô nhiễm và phá hủy khí hậu, thay vì giảm lượng phát thải. 

Dưới góc nhìn của Mạng lưới Môi trường Bản địa, Hội nghị Thượng đỉnh carbon này đang theo gót sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh Copenhagen COP15 vừa diễn ra cuối tháng 12/2009 với đề xuất đưa các khu rừng tự nhiên vào thị trường các-bon bằng cách tạo ra một cơ chế gọi là REDD (Giảm phát thải do Phá rừng và suy thoái rừng) và REDD+. 

Thực tế, đối tượng áp dụng REDD là các khu rừng tự nhiên, mà rất nhiều trong số đó nằm trên đất của dân bản địa. Những người ủng hộ REDD kỳ vọng rằng cơ chế mới này sẽ mang lại lợi ích cho chính những người dân có cuộc sống gắn bó với rừng ấy. Song, nhóm phản đối lại cho rằng REDD đã gây ra tình trạng chiếm đoạt đất, bạo lực, cưỡng bức thu hồi đất, di cư, vi phạm quyền con người, là mối đe dọa đến sự sống còn của văn hóa bản địa…

Một kênh truyền hình của Úc mới đây đã phản ánh một vụ bê bối liên quan đến việc bắt cóc một thủ lĩnh bản địa người Kamula Doso ở Papua New Guinea để cưỡng chế vị này ký vào giao ước dành lãnh thổ cho dự án REDD.

Marlon Santi, chủ tịch của CONAIE (Liên hiệp các Dân tộc Bản địa Ecuador), một trong những tổ chức bản địa có thế lực nhất thế giới đã lên án: “Người dân bản địa đang bị buộc phải dành lãnh thổ của họ cho các dự án REDD, cho các găng-xtơ của thế kỷ, những kẻ buôn bán các-bon, những người đang xâm nhập vào các khu rừng còn lại của thế giới vốn vẫn tồn tại là nhờ kiến thức của người bản địa.”

Một kiểu dự án REDD khác, một dự án lâm nghiệp carbon do UNEP tài trợ ở khu rừng Mau của Kenya, cũng bị lên án rằng đã dẫn đến tình trạng thu hồi đất đai và đe dọa sự sống còn văn hóa của cộng đồng người Ogiek. Vụ việc đã khiến giám đốc Chương trình Phát triển người Ogiek, Daniel Kobei, phải thốt lên: “Buộc chúng tôi rời khỏi Mau cũng tựa như việc tách cá khỏi nước và hy vọng nó tồn tại vậy!”.

Theo Ban Giám sát REDD: “Thất bại của UNEP trong việc ngăn chặn thu hồi đất của hàng ngàn người dân cho dự án các-bon không báo trước điều gì tốt đẹp cho hàng triệu người bản địa và các cộng đồng sống trong rừng trên thế giới”.

Tổ chức Suvival International, một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho các tộc người và bộ lạc thiểu số, thậm chí cảnh báo rằng dự án REDD có thể đưa người bản địa đến chỗ “trắng tay”.

“Tất cả những người quan tâm tới tương lai và những cánh rừng, tới người bản địa và quyền con người nên từ chối REDD vì nó là một cơ chế thiếu sót không thể khắc phục và bởi vì bất chấp các nỗ lực để áp dụng REDD một cách an toàn và hiệu quả, nó vẫn luôn là một cơ chế phá huỷ tiềm tàng” – Goldtooth, giám đốc Mạng lưới Môi trường Bản địa kết luận.