ThienNhien.Net – Ngày 26/06, Ban giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Gói tín dụng hỗ trợ giảm nghèo lần thứ 8 (PRSC 8) trị giá 350 triệu USD, nhằm giúp Việt Nam khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới qua việc tiếp tục triển khai gói kích cầu hiện nay.
Khoản tín dụng này (PRSC 8) nằm trong một loạt các khoản tín dụng hàng năm, và trực tiếp hỗ trợ ngân sách nhà nước nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (SEDP) giai đoạn 2006 – 2010.
“Gói tín dụng hỗ trợ giảm nghèo được thông qua vào thời điểm rất quan trọng khi Việt nam phải đối mặt với những thách thức kinh tế trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Từ trước tới nay, gói kích cầu của chính phủ đã mang lại những ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế. Khoản tín dụng này được thông qua trong Chương trình Ứng phó nhanh đối với Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu từ IDA. Chương trình này cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết để triển khai gói kích cầu của Chính phủ cũng như chương trình cải cách trong khuôn khổ hoạt động của PRSC” – Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phát biểu.
Ngân hàng thế giới dự kiến cung cấp tín dụng trị giá hơn 4 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam phát triển trong vòng 2 năm tới. Khoản tín dụng này sẽ huy động từ cả nguồn tín dụng ưu đãi và nguồn tín dụng dành cho các nước có thu nhập trung bình.
Chương trình Tín dụng Hỗ trợ Giảm nghèo (PRSC) bắt đầu được triển khai từ năm 2001 nhằm cung cấp cả hỗ trợ tài chính và hỗ trợ chính sách. Hàng năm, chương trình này nhằm thúc đẩy thảo luận chính sách và cải cách cần thiết cho nhiều ngành, hỗ trợ tài chính trực tiếp vào ngân sách nhà nước để triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Chương trình PRSC 8 được chuẩn bị trong bối cảnh Việt Nam đạt được những tiến bộ nhất định trong cải thiện môi trường kinh doanh, hòa nhập xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản trị hiện đại. Đây cũng là bốn trụ cột của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006 – 2010.
Trong Môi trường kinh doanh, PRSC 8 ghi nhận nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong một số lĩnh vực như (i) cải thiện quản lý tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước và định mức đầu tư của họ vào các chủ thể khác, (ii) chuẩn bị Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, tập trung chức năng nhiệm vụ và nâng cao tính tự quyết của ngân hàng nhà nước vào chính sách tiền tệ và ổn định ngành tài chính và (iii) thông qua một hệ thống giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo và khuyến khích chính phủ mua các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Trong hòa nhập xã hội, PRSC 8 cũng ghi nhận việc chính phủ đã xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 tập trung vào bình đẳng trong kết quả giáo dục và tính phù hợp của nội dung giáo dục, cũng như chuẩn bị kế hoạch chiến lược nhằm đảm bảo các quỹ an sinh xã hội được đầu tư một cách hiệu quả và cẩn trọng.
Trong Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên, chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu và giao trách nhiệm cho các bộ ngành liên quan thực hiện chương trình.
Và nhằm hỗ trợ Quản trị nhà nước hiện đại, PRSC8 công nhận việc xây dựng luật quản lý nợ công tích hợp quản lý nợ trong và ngoài nước, việc thành lập Hội Luật gia Quốc gia, với các tài liệu và cơ chế quản lý đã được cộng đồng luật sư thông qua.