Nông thủy sản Việt Nam dần mất lợi thế

ThienNhien.Net – Chia sẻ trong buổi tọa đàm xuất khẩu khẩu của Cổng Thông tin điện tử (Bộ Công Thương) ngày 21-12, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng,  những mặt hàng nông thủy sản hiện đang là thế mạnh của Việt Nam, nhưng trong trung và dài hạn những mặt hàng này sẽ dần mất lợi thế.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nhập siêu năm 2015 đạt mục tiêu đề ra.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nhập siêu năm 2015 đạt mục tiêu đề ra.

Năm 2015 sắp khép lại. Xin ông cho biết những điểm sáng về xuất nhập khẩu?

Ông Trần Tuấn Anh: Khi nói về tình hình xuất nhập khẩu năm 2015 phải nói đến đặc điểm diễn biến thị trường thế giới phức tạp như kinh tế thế giới phục hồi chậm dẫn tới nhu cầu thị trường thế giới cũng chậm lại khiến một số mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam bị ảnh hưởng. Ví dụ nhóm hàng nông lâm thủy sản như gạo, cao su, cà phê, sắn lát, tôm, cá tra… tiếp tục sụt giảm sâu về giá và lượng xuất khẩu. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như dầu thô, than đá giảm cũng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 11-2015 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 9%, nhập siêu kiểm soát dưới 3 tỷ USD. Như vậy, với nhịp tăng trưởng xuất nhập khẩu của những tháng cuối năm, nhất là trong tháng 12, xuất khẩu tiếp tục có sự cải thiện. Theo ước tính của chúng tôi, hết tháng 12 chúng ta sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức gần bằng mục tiêu Quốc hội đề ra (gần 10%), nhập siêu đạt mục tiêu đề ra.

Trong khi các mặt hàng chế biến như điện tử, dệt may tăng trưởng tốt thì các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông thủy sản có sự sụt giảm mạnh. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Ông Trần Tuấn Anh: Hiện các mặt hàng nông lâm thủy sản đang là thế mạnh của Việt Nam, nhưng nếu xét trong trung và dài hạn thì những mặt hàng này sẽ mất dần lợi thế trong sản xuất và kinh doanh.

Đối với các mặt hàng nông nghiệp, năm 2014, nhóm hàng này có tốc độ tăng trưởng cao, trên 10%, nên đến 2015,  các ngành này không có điều kiện tăng trưởng về quy mô, số lượng.

Chưa kể đến, áp lực cạnh tranh từ các quốc gia khác, ví dụ rõ nhất là mặt hàng gạo. Trong 9 tháng đầu năm, mặt hàng gạo chịu áp lực cạnh tranh lớn từ Thái Lan, Ấn Độ, Myamar, cộng với nỗ lực tiếp cận thị trường của các quốc gia làm cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn. Hơn nữa, các chính sách nông nghiệp của các đối tác (Thái Lan trợ giá cho xuất khẩu nông sản) làm cho thị trường gạo Việt Nam bị co hẹp.

Ngoài ra, việc tranh chấp thương mại của các nước như các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trong nông sản, thủy sản… gây khó khăn lớn cho việc phát triển thị trường, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ.

Một khó khăn khác cũng là điểm yếu của Việt Nam là xu thế bảo hộ mậu dịch của nhiều thị trường dẫn đến việc gia tăng các hàng rào kỹ thuật của các nước liên quan đến mặt hàng lương thực, thực phẩm. Những yêu cầu này gây khó khăn cho Việt Nam vốn là nước có thế mạnh nuôi trồng thủy sản nhưng lại có vấn đề liên quan đến sự ổn định chất lượng.

Qua thực tế năm 2015 cho thấy, cuộc cạnh tranh về thị trường đối với các mặt hàng của Việt Nam, kể cả những ngành hàng có thế mạnh có lợi thế so sánh, đặt ra vấn đề tái cơ cấu ngành sản xuất trong đó có nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Nếu chúng ta không tái cơ cấu lại, nâng cao năng lực cạnh tranh thì chúng ta sẽ thất bại, nếu không phát triển bền vững thì cũng không cạnh tranh được tại các thị trường với những quy định nghiêm ngặt, ngày càng khó tính hơn với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản.

Chắc chắn chúng ta phải hướng đến sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Vì vậy, định hướng của chúng ta trước mắt và lâu dài vẫn là đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất và thương mại. Việc thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các mặt hàng là yêu cầu tất yếu. Điều này được khẳng định trong Chiến lược xuất khẩu đến 2020, tầm nhìn 2025.

Việc tham gia các hiệp định thương mại là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là việc kiểm soát nhập siêu của Việt Nam. Theo ông, cần có biện pháp như thế nào để kiểm soát nhập siêu?

Ông Trần Tuấn Anh: Trong dài hạn, chúng ta đã có những đề án lớn như Chiến lược xuất khẩu bền vững đến 2020, tầm nhìn đến 2025, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng, chiến lược phát triển mô hình tăng trưởng xanh, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành hàng xuất khẩu… Trong giai đoạn hội nhập sâu, mô hình tăng trưởng dựa vào giá trị gia tăng, đưa ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động… là những định hướng chiến lược. Nếu làm được điều này thì xuất nhập khẩu sẽ có sự phát triển bền vững.

Mục tiêu ưu tiên 2016 là tập trung khai thác cơ hội thị trường, đặc biệt từ các hiệp định Việt Nam đã tham gia, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp hàng hóa Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao hơn và thâm nhập vào các thị trường tốt hơn. Chỉ có như vậy, nền kinh tế mới có sự phát triển bền vững.

Tôi cho rằng, các biện pháp tới đây cần hướng tới tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách tốt hơn, đồng thời kết nối chặt chẽ hơn giữa khu vực công và tư.

Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tiếp cận, lắng nghe ý kiến, phản hồi của doanh nghiệp để có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Xin cảm ơn ông!