Chung tay “cứu” các hồ Hà Nội

ThienNhien.Net – Ngày 20/01, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì hội nghị giới thiệu đề án và công tác xã hội hóa cải tạo môi trường các hồ nội thành. Thành phố đã mời gần 50 doanh nghiệp lớn tới tham dự hội nghị nhằm kêu gọi góp vốn cùng thành phố cải tạo môi trường các hồ của Hà Nội.


Theo Sở Xây dựng, nội thành Hà Nội có khoảng 111 hồ nước với tổng diện tích khoảng 1.165ha. Sau nhiều năm nỗ lực, tới nay, thành phố mới cải tạo, kè bờ đá được 46 hồ, còn lại 65 hồ chưa được cải tạo. Trong số hồ chưa được cải tạo, 21 hồ đã có dự án đầu tư, đang triển khai thực hiện và 45 hồ chưa có dự án.

Về thực trạng của các hồ chưa được cải tạo, ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá, môi trường các hồ đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Trong số 45 hồ chưa có dự án, thành phố chọn 23 hồ để kêu gọi các nhà đầu tư tập trung cải tạo từ nay tới năm 2015. Trong đó, ưu tiên trong giai đoạn I cải tạo 12 hồ trong tình trạng xuống cấp nhất về vệ sinh môi trường, nằm trong khu vực đô thị. Tổng vốn đầu tư cho cải tạo 45 hồ khoảng 1.447 tỷ đồng, riêng giai đoạn I gần 386 tỷ đồng.

Hàng chục doanh nghiệp đã hưởng ứng nhiệt tình và cam kết tặng thành phố 296 tỷ đồng và đăng ký 430 tỷ đồng vốn đầu tư theo hình thức BT(1), BOT(2) cho các dự án cải tạo hồ ở Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ băn khoăn rằng mặt bằng thi công, thủ tục hành chính vẫn còn là “rào cản”.

Giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Hà Nội sẽ có cơ chế đặc thù, linh hoạt sao cho công việc tiến triển nhanh nhất. Doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo hồ sẽ được nhiều ưu đãi như miễn giảm tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, thuế, vay vốn tín dụng…

Đồng thời, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng khẳng định, phải bảo đảm để dự án cải tạo hồ không bị ách tắc bởi sự thiếu trách nhiệm. Nếu có cán bộ nào có biểu hiện gây khó dễ, nhũng nhiễu, thành phố sẽ xử lý nghiêm khắc.


(1): Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng BT.

(2): Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.