Chờ đón World Cup xanh 2010

ThienNhien.Net – Ủy Ban Tổ Chức World Cup FIFA của Nam Phi cùng Bộ Môi trường nước này và các thành phố đăng cai đã nhóm họp cuối tháng trước để khởi động chương trình quốc gia “xanh hóa” World Cup 2010 với mục tiêu hạn chế tác động tiêu cực lên môi trường của sự kiện thể thao được cả thế giới trông đợi này


Các bên tham dự đã công bố logo Chương trình “Bàn thắng xanh” và cùng ký cam kết hỗ trợ các sáng kiến xanh, trong đó chú trọng đến vấn đề rác thải, năng lượng, giao thông, nước, đa dạng sinh học và du lịch sinh thái.

Chủ đề xuyên suốt của các sáng kiến này là hạn chế khí thải, thay thế carbon, tạo việc làm… vì mục tiêu bền vững.

Giám đốc điều hành FIFA World Cup 2010, Danny Jordaan, cho biết World Cup lần này đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và thay đổi căn bản các vấn đề liên quan đến môi trường.

Phó Bộ Trưởng Bộ Môi Trường Nam Phi, Rejoice Mabu Dafhasi, phát biểu: “Chúng ta cần cân bằng giữa các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường của World Cup 2010 thông qua cách tiếp cận “xanh” đối với sự kiện này. Các vấn đề môi trường đòi hỏi một sự quan tâm chính đáng. Việc “xanh hóa” sự kiện này cũng cần được áp dụng rộng rãi cho các sự kiện thể thao mang tầm quốc tế khác mà Nam Phi đăng cai”.

Mặc dù các bên tham gia cuộc họp chưa trình bày chi tiết các dự án mà họ dự định tiến hành nhằm giảm phát thải khí nhà kính ngoài trồng cây, người ta vẫn hiểu rằng logo và Chương trình “Bàn thắng xanh” sẽ được sử dụng như một phương thức gây quỹ cho các dự án giảm phát thải trong tương lai.

Những khán giả ở xa Nam Phi, phải trải qua một hành trình dài với “dấu chân carbon lớn” mới tới được Nam Phi, có thể tình nguyện đóng góp vào quỹ dành để triển khai các dự án giảm khí thải từ phát triển du lịch.

Các thành phố đăng cai sự kiện thể thao lớn này cũng có nhiều động thái hưởng ứng sáng kiến xanh này. Ví dụ, thành phố Durban cho biết “dấu chân carbon” của World Cup 2010 tại thành phố tương đương với 307.000 tấn CO2. Song điều quan trọng là thành phố đã cam kết sẽ trung hòa lượng carbon này bằng cách thiết lập các chương trình thay thế khí thải công nghiệp cũng như các dự án tái trồng rừng.

Do vị trí địa lý của mình, lượng khí phát thải từ World Cup ở Nam Phi được xem là cao hơn nhiều so với World Cup tại Đức năm 2006, vì các cổ động viên phải di chuyển xa hơn.“Dấu chân carbon” của Wolrd Cup 2010 được ước tính vào khoảng 2.753.250 tấn CO2, bao gồm cả vấn đề đi lại giữa các quốc gia (chiếm 67%).

Chương trình khung để tổ chức một World Cup “trung hòa carbon” đã được triển khai. Theo đó, rác thải sẽ được tối thiểu hóa, đi đôi với nó, việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác sẽ được tối đa hóa.

Về năng lượng, cải tiến hiệu suất sử dụng, tối thiểu hóa lượng tiêu thụ năng lượng, gia tăng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẽ là mục tiêu hướng tới.

Về giao thông, các phương tiện cơ giới cá nhân sẽ được hạn chế sử dụng để giảm khí thải bằng cách phát triển hệ thống giao thông công cộng tiện lợi và hiệu quả. Làn đường dành cho khách bộ hành và người đi xe đạp sẽ được cải thiện với hệ thống chiếu sáng hợp lý.

Bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước hiệu quả cũng là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, World Cup đặt mục tiêu hạn chế lượng nước tiêu thụ, gia tăng tích trữ nước mưa và tái chế nước thải. Bảo vệ vùng ngập nước và các nguồn nước khỏi ô nhiễm cũng là mục tiêu then chốt. Khung chương trình cũng chú trọng việc bảo tồn và gia tăng đa dạng sinh học.

Ngoài ra, Chương trình “Bàn thắng xanh” cũng nhấn mạnh trách nhiệm của ngành du lịch trong việc gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và nước, giảm thiểu rác thải ở tất cả các khách sạn, nhà hàng và khuyến khích phát triển du lịch sinh thái.

Một hệ thống các tiêu chí và tiêu chuẩn rõ ràng sẽ được thiết lập phục vụ công tác đánh giá môi trường.