Đà Nẵng: “Vì một thành phố môi trường”

Thành phố môi trường – khái niệm đơn giản như cách nói của ông Stephen Adrian Ross Quyền Giám đốc Quĩ Tài nguyên Facility là “thành phố có khả năng sống”. Nhưng thực chất đây là một khái niệm với rất nhiều tiêu chuẩn mang hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, như đánh giá về tác động môi trường, xử lý các tác hại môi trường, điều kiện về diện tích cây xanh, nước thải, rác thải, khói bụi và cả các tiêu chí khác về tốc độ phát triển tăng trưởng GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người…

Đề án thành phố môi trường

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đã đạt được những thành quả to lớn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, chúng ta đứng trước nhiều thách thức và áp lực to lớn mà thách thức lớn nhất là các vấn đề về môi trường sống. Do vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Thành phố môi trường” mà Thành phố Đà Nẵng đang tiến hành, được coi là một việc vô cùng cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố. Nếu được thông qua, đây sẽ là đề án thành phố môi trường đầu tiên của cả nước, làm hình mẫu để các tỉnh thành tham khảo và triển khai trên toàn quốc.

Có thể nói, so với các tỉnh thành trong cả nước, TP.Đà Nẵng có nhiều thuận lợi khi xây dựng thành phố môi trường. Là một thành phố trẻ năng động, có vị trí địa lý khá lý tưởng về môi trường sinh thái, có một bên là núi, một bên là biển, mật độ dân số không cao và sản xuất công nghiệp có khả năng kiểm soát được về mức độ ô nhiễm. Thành phố đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, trong đó tỷ trọng dịch vụ trong GDP được định hướng chiếm trên 60% GDP đến năm 2020. Đó sẽ là những điều kiện tiên quyết cho các chính sách về môi trường.

Trên cơ sở tham khảo các bộ tiêu chí thành phố môi trường của một số quốc gia và Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, dự thảo Đề án “Thành phố môi trường” đã đưa ra 24 tiêu chí và 3 mốc lộ trình thực hiện đến năm 2020. Một trong những mục tiêu hàng đầu của đề án là tạo nên một thương hiệu “Thành phố môi trường” cho Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, tạo sự an toàn về sưc khỏe, môi trường cho người dân và du khách đến Đà Nẵng.

Sự nghiệp của toàn dân

Như vậy, người dân TP.Đà Nẵng là đối tượng được hưởng lợi từ dự án nhưng cũng đồng thời là chủ thể thực hiện đề án. Ngoài những công việc của chính quyền nhằm quản lý, kiểm soát và hạn chế ô nhiễm môi trường thì chính từng người dân thành phố sẽ là mỗi “chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ môi trường” vì thành phố thân yêu và cũng vì chính ngay cuộc sống của bản thân mình và của gia đình mình. Hơn ai hết, mỗi người dân thành phố cần phải nhận thức sâu sắc được cái giá phải trả cho sự suy thoái môi sinh và bằng những việc làm thiết thực góp phần hạn chế sự suy thoái ấy.

Hàng ngày TP.Đà Nẵng thải ra khoảng 1200 tấn rác thải rắn, trong đó, rác thải sinh hoạt chiếm phần lớn. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác Đà Nẵng được đầu tư khá đồng bộ và năng lực thu gom, vận chuyển rác thải được đánh giá cao trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, dù có cố gắng, tỷ lệ rác thải thu gom chỉ đạt 86%, còn lại được thải vào các ao, hồ, sông…Điều đáng lo ngại nhất chính là công tác giảm thiểu tại nguồn (phân loại, tái chế và tái sử dụng) chưa được quan tâm thực hiện rộng khắp. Một vài phường trong thành phố đã vận động nhân dân thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và đã đạt những kết quả nhất định nhưng chưa tạo nên một phong trào rộng khắp toàn thành phố.

Vẫn còn tình trạng người dân còn bỏ rác bừa bãi, mất mỹ quan và gây ô nhiễm đô thị. Đơn cử như sau đêm pháo hoa, trên các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã tràn ngập rác giấy, bao ni lông khiến cho hàng trăm công nhân phải quét dọn suốt cả đêm để trả lại con đường tươi mới ngày hôm sau. Vẫn còn đó một bãi biển bị những người dân vô ý thức ăn uống xả rác trên bãi cát. Tình trạng đổ nước thải, xả rác bẩn xuống lòng, lề đường … vẫn xảy ra. Rất cần thiết có một phong trào rộng khắp trong toàn dân thành phố để mọi người có ý thức giữ gìn môi trường. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm vệ sinh môi trường để răn đe giáo dục chung.

Đến TP.Đà Nẵng, nhiều du khách khen ngợi tốc độ phát triển nhanh chóng của thành phố với những công trình mới được xây dựng làm thay đổi bộ mặt đô thị từng ngày. Nhưng điều chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chính là Đà Nẵng quá ít cây xanh, nhất là trong khu vực nội thị. Quá trình bê tông hóa nhanh chóng đã làm hạn chế diện tích cây xanh và như thế đồng nghĩa với việc tăng thêm tình trạng nóng bụi cho các cư dân đô thị. Hiện nay trong nội thị ước tính chỉ có khoảng 37.000 cây xanh, bằng nửa nhu cầu là 80.000 cây.

Chính vì vậy, việc phát động trồng cây, “xã hội hóa việc trồng và chăm sóc cây xanh” là việc làm hết sức cần thiết. Tiêu chí đặt ra về diện tích không gian xanh đô thị từ 6-8m2/người dân không phải là khó đạt được khi người dân tích cực trồng cây, phủ xanh nơi ở của mình và tham gia vào các hoạt động trồng cây gây rừng khác.

Và trách nhiệm của chính quyền

“Thành phố có khả năng sống” cách nói đó thật đơn giản nhưng lại đòi hỏi những hoạt động thực sự mạnh mẽ và hiệu quả từ cả chính quyền và người dân thành phố. Chính quyền đã có những giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường bằng việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, các trạm xử lý rác thải và sẵn sàng đầu tư cho các hoạt động cùng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Chính quyền cũng cố gắng phấn đấu để đến năm 2020 sẽ có hơn 90% dân số nội thành và 70% dân số các xã ngoại ô được sử dụng nước sạch. Hơn 40.000 cây xanh đang được ươm trồng để đảm bảo cung cấp cho nhu cầu cây xanh đến năm 2010 là khoảng 80.000 cây trong khu vực nội thị và khoảng 150.000 cây đến năm 2020. Qui hoạch phát triển không gian đô thị cũng như qui hoạch phát triển kinh tế – xã hội thành phố phải được đặt trong mối tương quan mật thiết với vấn đề môi trường, môi sinh như là một sự bảo đảm đầu tiên và chắc chắn cho việc thực hiện đề án môi trường này.

Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực của con người và trang thiết bị máy móc hện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc kiểm soát và cải thiện môi trường sẽ là một giải pháp rất quan trọng và cần thiết.

Tổng chi phí cho đề án này lên đến hàng ngàn tỉ đồng, được huy động từ ngân sách Nhà nước cũng như sự đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Con số này không phải là nhỏ so với sự chắt chiu dành dụm của một địa phương miền Trung, nhưng nếu đem so sánh với những lợi ích thu được từ đề án thì đây chỉ là một con số khiêm tốn.

Danh hiệu “thành phố môi trường” là điều mà Đà Nẵng hoàn toàn có khả năng thực hiện được nhờ những nỗ lực của chính quyền và sự đóng góp của toàn dân thành phố. Điều này góp phần nâng cao vị thế của Đà Nẵng trên trường quốc tế, mở thêm những triển vọng về hợp tác, đầu tư và đem lại những lợi ích kinh tế, xã hội cho thành phố. Nhưng điều chính yếu là người dân Đà Nẵng sẽ được hưởng thụ những lợi ích làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.