Hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam

ThienNhien.Net – Ngày 22/12, Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới đã thông qua khoản vay 500 triệu đô la Mỹ đầu tiên cho Việt Nam từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD), nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và cải cách đầu tư công ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ tiến thêm một bước nữa tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010.


Ngân hàng Tái thiết và Phát triển thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới chuyên cho vay lãi suất thấp nhằm giảm nghèo ở các nước có thu nhập trung bình hoặc các quốc gia nghèo hơn nhưng có uy tín tín dụng. Cho đến nay, tất cả các khoản hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam đều từ nguồn tín dụng ưu đãi không lãi cho các nước nghèo nhất thế giới (IDA)*. Khoản vay mới này là khoản cho vay phát triển chính sách nhằm hỗ trợ cải cách đầu tư công tại Việt Nam.

Ông James Adams, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu: “Đây là một cột mốc quan trọng cho Việt nam – một quốc gia đã dịch chuyển từ vị trí “Quốc gia nghèo, nợ nhiều” sang vị thế một quốc gia có thu nhập trung bình trong vòng chưa đến 7 năm.” Ông còn nói thêm. “Cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô gần đây bộc lộ những yếu kém trong các hoạt động đầu tư công. Khoản vay lần này nhằm khắc phục một vài yếu điểm đó.”

Đây là khoản cho vay lớn nhất mà Ngân hàng Thế giới dành cho Việt Nam, là khoản đầu tiên trong hai khoản vay nhằm hỗ trợ các chương trình kích cầu của Việt Nam để đối phó với khủng hoảng kinh tế. Bằng việc hỗ trợ cải cách đầu tư công, khoản vay này sẽ giúp phát huy hiệu quả gói kích cầu cũng như những khoản đầu tư công tiếp theo để đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế cao của Việt Nam.

Trong 2 năm qua, Việt Nam đã trải qua một loạt các cú sốc, bắt đầu từ nguồn tài chính đổ vào lớn đầu năm 2007, đến việc tăng mạnh giá hàng hóa tiêu dùng năm 2008 và gần đây là suy giảm xuất khẩu do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các biện pháp kích thích kinh tế đưa ra vào cuối năm 2008, bổ sung vào đầu năm 2009 đã góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế dự đoán đạt mức 5,2% trong năm 2009.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu: “Khoản cho vay được thông qua nhờ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam củng cố hoạt động đầu tư công, thể hiện qua chương trình của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Chất lượng phát triển của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào những cải cách này”.

Các lĩnh vực được cải thiện trong khuôn khổ chương trình cải cách bao gồm rà soát về môi trường cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn công, quản lý môi trường, chuẩn bị và thẩm định dự án, đấu thầu, quản lý tài chính công, khuôn khổ pháp luật cho khối tư nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và giám sát đánh giá dự án.

Việc thông qua khoản cho vay lần này còn dựa vào Báo cáo Tiến độ thực hiện Chiến lược Đối tác Quốc gia. Bản báo cáo này ghi nhận lại các tiến bộ mà Việt Nam đạt được khi triển khai Chiến lược Đối tác Quốc gia 2007 – 2011 và đề cập một vài thay đổi từ nay cho đến hết năm 2011. Những thay đổi này bao gồm (i) khoản vay IBRD, dự tính lên đến 1,7 tỷ USD trong vòng một năm rưỡi tới; (ii) hỗ trợ cho việc đẩy mạnh các hoạt động ứng phó với thiên tai, thay đổi khí hậu và di cư; (iii) một khuôn khổ đối tác giữa Nhà nước và tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng; (iv) cải các giáo dục bậc cao và (v) cải cách công nghệ.


(*) Cuối năm 2007, Ngân hàng Thế giới tuyên bố Việt Nam là quốc gia hợp thức cho các khoản vay IBRD. Chính phủ Việt Nam đã đề nghị có một giai đoạn chuyển đổi dần dần sang IBRD và sẽ tiếp tục được tiếp cận các khoản vay từ quỹ IDA trong giai đoạn chuyển đổi giữa IDA/IBRD.