Nguy cơ Đông Nam Á ô nhiễm vì cháy rừng ở Indonesia

Các vụ cháy rừng ở Indonesia tăng vọt khiến bụi mù lan rộng trên khắp khu vực Đông Nam Á, gây lo ngại về tác động của các đám cháy rừng không ngừng tăng trên toàn cầu đối với tình trạng trái đất nóng dần lên.

Những vụ đốt rừng bất hợp pháp đang hoành hành trên các đảo Sumatra và Borneo buộc chính quyền Indonesia triển khai các máy bay trực thăng cứu hỏa và hàng ngàn nhân viên an ninh để ứng phó thảm họa. Theo Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành ASEAN có trụ sở tại Singapore, số “điểm nóng” có nguy cơ cháy cao được vệ tinh ghi nhận tăng mạnh từ 861 lên 1.619 ở Borneo và Sumatra chỉ trong vòng một ngày hôm 12-9.

Bụi mù lan sang thủ đô Kuala Lumpur – Malaysia. Ảnh: Reuters

Theo đài CNN, hơn 930.000 ha diện tích đất bị thiêu rụi, hàng trăm người dân sơ tán và 9.000 nhân viên cứu hỏa được triển khai khống chế đám cháy. Bụi mù từ các đám cháy ở Indonesia lan sang Malaysia và Singapore tuần qua khiến ô nhiễm không khí tăng lên mức nguy hiểm.

Bụi mù nghiêm trọng ở Indonesia làm giảm tầm nhìn. Ảnh: Reuters

Hôm 10-9, Cơ quan xử lý thảm họa quốc gia Malaysia đã phân phát nửa triệu khẩu trang ở bang Sarawak, nơi chứng kiến chỉ số ô nhiễm không khí (API) tăng vọt, theo hãng thông tấn Bernama. Khoảng 409 trường học ở bang này đã đóng cửa từ hôm 10-9.

Trong 24 giờ qua, 11 trong số 16 bang và vùng lãnh thổ của Malaysia có mức API “không an toàn” từ 101-200. Quận Rompin ở bang Pahang – Malaysia có mức API cao nhất lên đến 232. Còn chỉ số ô nhiễm không khí ở Singapore cũng tăng lên mức “không an toàn” hôm 10-9 vào khoảng 151. Đây là những con số đáng báo động nếu so với chỉ số API là 7 ở New York hay 24 ở London, thậm chí Bắc Kinh, thành phố thường xuyên hứng chịu ô nhiễm, cũng ở mức 50.

Nhiều người Indonesia tập trung cầu mưa khi hạn hán kéo dài và bụi mù nghiêm trọng. Ảnh: Reuters

Đây không phải là vấn đề mới. Từ nhiều năm nay, các đám cháy ở Sumatra đã khiến phần còn lại của Indonesia, các nước láng giềng Singapore, Malaysia “chìm” trong khói bụi. Có lúc API ở Indonesia lên tới 1.000 khiến tầm nhìn giảm xuống dưới 100 m.

Nguyên nhân là mùa đốt rừng lấy đất hàng năm, phục vụ cho sản xuất giấy hoặc dầu cọ, những ngành công nghiệp đã phá hủy rừng Indonesia trong nhiều năm qua. Chính quyền Indonesia đã cố ngăn nạn đốt rừng vốn là bị cho là bất hợp pháp và mức phạt cho hành vi này lên đến 700.000 USD và 10 năm tù nhưng nạn đốt rừng vẫn tiếp diễn.

Vụ việc cũng gây tranh cãi giữa Indonesia và các nước láng giềng khi Malaysia kêu gọi Indonesia dập tắt khẩn cấp các đám cháy rừng ở quốc gia này vì lo ngại sự khuếch tán của khói bụi. Đáp lại, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar cho rằng những phàn nàn của giới chức Malaysia là không chính xác và vô căn cứ.