Xử lý rác không cần phân loại

ThienNhien.Net – Kỹ sư Trần Hùng Dũng (Đại học Bách khoa TPHCM) vừa nghiên cứu thành công công nghệ xử lý rác bằng thủy lực và khí động, vừa không gây ô nhiễm môi trường, lại cho hiệu quả kinh tế rất cao và nhất là không cần phân loại rác.


Rác sẽ được đưa vào băng chuyền và cho đi qua bể thủy lực. Tại đây sẽ diễn ra quá trình tự phân loại rác, thành rác hữu cơ (rau, thức ăn thừa…) và rác vô cơ (xà bần, kim loại…) để tiến hành tái chế. Rác vô cơ được phân loại từ tính để loại bỏ sắt, riêng thủy tinh phải thu dọn bằng tay, xà bần được tận dụng làm gạch blốc. Đối với rác hữu cơ, phần rau củ quả đem làm phân vi sinh, ni-lông và cao su tái chế thành dầu FO, còn vải vụn sẽ đem đốt chung với rác độc hại.

Theo tìm hiểu của Người Lao Động, công nghệ xử lý rác của kỹ sư Dũng không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế rất cao. Chỉ cần đầu tư 2 tỉ đồng cho nhà máy xử lý rác có công suất 30 tấn rác/ngày, 3 tháng sau, nhà đầu tư đã có thể hoàn vốn. Theo tính toán, 30 tấn rác/ngày sẽ cho ra 10 tấn dầu FO, chỉ cần bán 9.000 đồng/lít dầu đốt thì mỗi ngày đã thu về 90 triệu đồng. Chi phí về điện sử dụng cho nhà máy cũng không cao, chỉ mất 187 đồng và tiêu hao 3 kg nhiên liệu cho 1 kg thành phẩm.

Sắp tới, sẽ có 5 – 6 đơn vị đầu tư dây chuyền công nghệ này, trong đó có khu xử lý tái chế rác Đà Nẵng (công suất 650 tấn rác/ngày), Công ty Cao su Kymdan xử lý nệm phế phẩm, Công ty Môi trường Việt Xanh xử lý cao su phế thải… Chính những phế phẩm này dự kiến sẽ mang lại siêu lợi nhuận cho các đơn vị vì tất cả chúng đều có thể tạo ra dầu FO.

Được biết, hiện nay cũng có rất nhiều đơn vị thực hiện các mô hình phân loại rác, chế biến rác thành gạch block và phân hữu cơ…, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường thì chưa xử lý được triệt để và vẫn còn tồn đọng một lượng không nhỏ các chất cặn bã từ rác.