ThienNhien.Net – Con người sống dựa vào thiên nhiên từ thủa hồng hoang. Dưới sự nâng đỡ, dung dưỡng của thiên nhiên, con người thoát thai trở thành một chủng loài siêu việt. Cùng với sự tiến hóa của nền văn minh nhân loại, thế giới quan và niềm tin của con người không ngừng đổi thay. Thế nhưng, đối mặt với những khủng hoảng và thách thức trong trang sử đầy biến động này của nhân loại, có những giá trị từ ngàn xưa vẫn cần được cổ vũ và nuôi nấng.
Từ xa xưa, con người đã sống phụ thuộc vào tự nhiên, “tôn thờ tự nhiên”. Tự nhiên được con người tôn thành những lực lượng siêu nhiên, những đấng sáng tạo, những vị thần có quyền sinh, quyền sát đối với con người.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là của khoa học kỹ thuật, con người đã dần khám phá và nhận thức được tự nhiên; rồi tự nhiên cũng bị chính con người biến đổi. Với lối tư duy “con người là trung tâm của vũ trụ”, con người ra sức khai phá tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu và tham vọng của mình. Và rồi cái gì phải đến đã đến, con người đã bị tự nhiên “trả đũa”. Ngày nay, con người đang phải trả giá cho những hậu quả mà chính mình gây ra cho tự nhiên. Nguy cơ của một cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu là có thực nếu con người còn chưa thay đổi tư duy trong cách ứng xử với tự nhiên.
Bởi vậy, khôi phục lại tình yêu (thậm chí cả sự sùng bái) của con người đối với tự nhiên ngày nay là điều rất cần thiết. Tình yêu này phải dựa trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về tự nhiên và nhận thức về vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của con người đối với cội nguồn đã sản sinh và nuôi dưỡng mình.
Nhân và quả
Để kiến tạo nên nền văn minh như ngày nay, con người cũng đã làm thiên nhiên nhiều phen nổi giận. Những trận ngập lụt lịch sử; những trận cuồng phong bão tố; những thay đổi về môi trường và biến đổi khí hậu… tất cả đã gây biết bao tổn thất cho xã hội loài người, cả về của cải vật chất và nhân mạng.
Rất may mắn là con người đủ thông minh để nhận thấy nguồn gốc những hậu quả mà mình đang phải gánh chịu. Loài người đang ngày càng nhận thức sâu sắc rằng chặt cây, phá rừng sẽ dẫn đến bão lụt, sự ấm lên của trái đất, nước biển dâng; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu làm tăng khả năng xuất hiện dịch bệnh… Để sửa chữa những sai lầm của mình, con người cũng đã phải bỏ ra không ít thời gian, tiền của. Thế nhưng, công cuộc giữ gìn môi trường, bảo tồn thiên nhiên vẫn chưa thể bắt kịp với những thách thức nảy sinh không ngừng.
Nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 chứng kiến sự ra đời của nhiều tổ chức môi trường ở cả quy mô toàn cầu, khu vực, quốc gia và cộng đồng. Nhân loại đang cố gắng đoàn kết lại để cùng nhau khắc phục những hậu quả mình gây ra, giữ gìn hệ sinh thái chung của Trái đất. Trong công cuộc này, tôn giáo cũng được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc biến niềm tin tâm linh và tình yêu với Đấng Tạo hóa thành những hành động thiết thực.
Triết lý tôn giáo và ý thức bảo tồn thiên nhiên
Hầu hết các tôn giáo đều khuyến khích tín đồ sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng lẽ tự nhiên và giữ gìn môi trường.
Theo giáo lý Phật giáo, có một mối quan hệ mật thiết giữa môi trường thiên nhiên và các loài sinh vật hữu tình sống trong môi trường. Để tồn tại, loài người phải có một đời sống hợp quần dựa trên quan hệ bình đẳng và hòa hiếu. Nếu chúng ta khai thác thiên nhiên quá mức thì chính chúng ta phải gánh lấy đau khổ vì các điều kiện sống sẽ thay đổi. Hậu quả sẽ là những hệ lụy lâu dài cho nhiều thế hệ mai sau.
Để bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên, điều quan trọng nhất là phải thiết lập một sự cân bằng nội tại trong mỗi con người. Sự thiếu hiểu biết về môi trường và sự lạm dụng thiên nhiên của mỗi cá nhân sẽ đe dọa đến hệ sinh thái và cả cộng đồng.
Lời dạy của Đức Phật thường bao hàm thái độ tôn kính và nhân ái không chỉ đối với tất cả những sự vật có tri giác mà còn đối với muôn loài cây cỏ. Cứ vài năm một lần, ở một số nơi, Phật tử phải trồng một cái cây và có trách nhiệm chăm sóc nó cho đến khi lớn lên thành cây cao bóng cả. Họ tin rằng việc làm đó sẽ mang lại hạnh phúc, thịnh vượng và an lành cho mọi người.
Giáo lý Duyên khởi của Phật giáo cũng nhấn mạnh đến nguyên lý “Cái này có nên cái kia có; Cái này không nên cái kia không; Cái này sinh nên cái kia sinh; Cái này diệt nên cái kia diệt” (thử hữu cố bỉ hữu, thử vô cố bỉ vô; thử sinh cố bỉ sinh, thử diệt cố bỉ diệt). Ý nghĩa của giáo lý này đề cao tinh thần bình đẳng trên phương diện cộng sinh. Sự diệt vong của một mắt xích trong chuỗi sự sống sẽ tác động đến sự sinh tồn của các mắt xích còn lại. Chính vì điều này mà Phật giáo luôn coi trọng mối liên hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên môi trường.
Phật giáo cho rằng, tư tưởng quyết định tất cả hành động của con người. Một môi trường sống thật sự trong lành, không ô nhiễm khi và chỉ khi tất cả mọi người đều có ý thức bảo vệ và gìn giữ nó. Do đó, muốn giữ gìn môi trường trong sạch cần coi việc thay đổi tư tưởng của con người là điều kiện tiên quyết.
Thiên nhiên và sự sống trên hành tinh chúng ta chứa muôn ngàn điều diệu kỳ. Chính con người đang đánh mất dần những điều diệu kỳ đó. Ảnh: ThienNhien.Net
Cùng quan điểm với Phật giáo, Đạo giáo cũng cho rằng con người nên kiềm chế lòng tham vụ lợi từ thiên nhiên. Nếu con người cố tình đi ngược lại sự phát triển hài hòa và tính cân bằng nội tại của tự nhiên thì sớm muộn cũng sẽ thất bại.
Theo Đạo giáo, trong mỗi sự vật và hiện tượng luôn tồn tại hai mặt đối lập, được gọi là Âm và Dương. Hai mặt này luôn ở trạng thái đấu tranh liên tục. Khi đạt đến sự hài hòa thì năng lượng cuộc sống được tạo ra. Hiểu được điều này, con người sẽ không tàn phá tự nhiên mà sẽ chăm sóc và học hỏi từ nó. Bởi họ biết về lâu dài, việc khai phá thiên nhiên quá mức sẽ mang đến nhiều thiên tai, thậm chí là sự tuyệt chủng của toàn nhân loại.
Đạo giáo cho rằng nếu loài người nhận thức được tính cần thiết và tầm quan trọng của việc duy trì sự đa dạng của các loài sinh vật trên trái đất, nếu tất cả mọi thứ đều được bảo tồn và phát triển… thì xã hội này sẽ phát triển thịnh vượng. Bằng không, nó sẽ bị hủy diệt.
Có thể nói, đây là một quan điểm rất tiến bộ của Đạo giáo vì nó khuyến khích con người hướng đến bảo tồn thiên nhiên và môi trường sống.
Các tín đồ theo Ấn Độ giáo (đạo Hin-đu) cũng rất tôn trọng thiên nhiên. Đối với họ, mọi sinh vật sống là thiêng liêng, là một phần của tạo hóa và cần được đối xử từ bi. Quan niệm này xuất phát từ thuyết luân hồi, theo đó sự sống có thể được tái sinh ở nhiều kiếp thông qua nhiều hình hài khác nhau, từ cỏ cây, loài vật, con sông hay ngọn núi. Người Hin-đu ăn chay cũng là vì niềm tin này.
Trong khi đó, người Hồi giáo lại tin rằng, thánh Allah đã tạo ra con người và vạn vật. Thánh Allah là duy nhất và vĩnh hằng, thể hiện trong sự hòa hợp của loài người và thiên nhiên. Ngài nắm quyền thống trị các tầng trời và trái đất cùng vạn vật giữa trời đất. Và Ngài là mục tiêu trở về cuối cùng của tất cả (Kinh Coran). Vì vậy, tín đồ đạo Hồi đều có ý thức duy trì và gìn giữ sự toàn vẹn của Trái đất, hệ thực vật, động vật hoang dã và môi trường. Họ cho rằng mình phải có trách nhiệm gìn giữ sự cân bằng và hài hòa trong sáng tạo của thánh Allah.
Muốn vun trồng hòa bình, hãy giữ gìn thụ tạo
Đây là đề tài mà Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI chọn cho Ngày Hòa bình Thế giới (01/01/2010), cũng là lời kêu gọi các tín đồ phải có ý thức trong việc bảo tồn thiên nhiên và gìn giữ hòa bình thế giới.
Với thông điệp này, Đức Giáo hoàng muốn khích lệ mọi người có ý thức hơn đối với việc bảo vệ thiên nhiên và vun trồng thiện ích vì hòa bình. Nếu nhân loại không đoàn kết để đối phó với những thách thức xã hội và môi trường hiện nay thì nguy cơ nảy sinh mâu thuẫn giữa các dân tộc, giữa các thế hệ hiện tại và tương lai là khó tránh khỏi.
Đức Giáo hoàng nhấn mạnh, việc sử dụng thiên nhiên của chúng ta bao hàm trách nhiệm đối với người nghèo, đối với các thế hệ tương lai và đối với toàn nhân loại. Quan điểm cực đoan coi thiên nhiên là “bất khả xâm phạm” hay sử dụng thái quá đều là sai lầm. Cần phải quản lý hữu hiệu và có trách nhiệm đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm sinh lợi và phục vụ cuộc sống con người. Việc vơ vét, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên dễ gia tăng nạn bóc lột và nảy sinh xung đột nội tại cũng như giữa các quốc gia.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Phật giáo Tây Tạng khi tham dự một hội nghị về bảo vệ môi trường và phát triển do Liên Hợp Quốc tổ chức cũng khẳng định: Chúng ta phải xích lại gần nhau để giải quyết những thách thức có quy mô toàn cầu như gia tăng dân số, chạy đua vũ trang hạt nhân, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và khủng hoảng môi trường. Những thách thức này đang hiện hữu và đe dọa bầu không khí, nước uống và cỏ cây cùng cuộc sống bình yên của loài người. Ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường là nền tảng sống còn của nhân loại trên hành tinh nhỏ bé này.
Cùng với nhiều tổ chức xã hội, có thể nói tôn giáo đã góp một tiếng nói nhất định và có ảnh hưởng lớn trong việc cổ vũ tình yêu thiên nhiên, ý thức của cá nhân và cộng đồng trong việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Nhiều tổ chức chính phủ cũng như phi chính phủ đã bắt đầu liên kết, phối hợp với các lãnh đạo tôn giáo trong các dự án bảo vệ môi trường. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) là một trong những nhóm môi trường điển hình đi đầu trong hướng này.
Niềm tin và sự trường tồn của nhân loại
Xin mượn lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma làm đoạn kết cho bài này. Ngài cho rằng mục đích của các tôn giáo không phải kiến tạo chùa cao, tượng lớn, thánh đường nguy nga và tăng thêm số lượng tín đồ…. mà tôn giáo chỉ đến với loài người và hướng họ ra khỏi chốn tối tăm cùng mạt mà chính họ đã gây tạo.
Mỗi tôn giáo trên thế giới, dù có nhiều quan điểm khác nhau về triết thuyết, nhưng trước và trên hết vẫn là những lời răn dạy con người bớt lòng ích kỷ, giàu lòng từ bi nhân ái để yêu thương nhau và yêu thương muôn loài vạn vật.
Bên cạnh những giải pháp về chính sách và kỹ thuật, chính niềm tin và lòng yêu thương sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau, chung tay giữ gìn sự sống trường tồn của nhân loại trên hành tinh xanh Trái đất. Và chúng ta có quyền hy vọng, một khi có niềm tin.