“Khát” trao chứng chỉ hành nghề lan từ người mẫu, ca sĩ cho đến cán bộ môi trường

ThienNhien.Net – Chưa khi nào chuyện bằng cấp trong xã hội lại dùng để đánh giá cả con người nhiều như hiện nay. Làm bất cứ ở lĩnh vực nào, muốn định danh cũng bắt buộc phải có bằng nọ, bằng kia kèm theo cái chứng chỉ… hành nghề. Vì thế mà ca sĩ, người mẫu cũng đang được xem xét có nên cấp chứng chỉ hành nghề hay không, và mới đây, những cán bộ đánh giá tác động môi trường cũng sẽ được yêu cầu phải có chứng chỉ mới được hành nghề, theo dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

210613_TDBL_baochi1Dự thảo sửa đổi luật Bảo vệ môi trường có các điểm mới được xem là có thể giảm bớt những bất cập trong công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện nay. Cụ thể là sẽ có hai ĐTM cho một dự án và muốn hành nghề ĐTM phải được cấp chứng chỉ…

Phát biểu về vấn đề này trên báo SGTT, TS.Nguyễn Khắc Kinh, nguyên vụ trưởng vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường thuộc bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, ông không phản đối gì chuyện cấp chứng chỉ, nhưng nếu chỉ dựa vào chứng chỉ thì chất lượng dự án vẫn không được nâng cao. Theo ông, người có chứng chỉ chưa chắc đã trực tiếp làm việc, biết đâu họ lại cho thuê bằng giống như bên dược sĩ, bác sĩ thì sao?

Ông cho rằng khâu quan trọng nhất là nên đào tạo thực sự cho những người đi làm thẩm định và làm báo cáo, đồng thời, cần nâng cao chất lượng của các ủy viên hội đồng thẩm định, những người này cần phải được tập huấn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cho từng chuyên ngành: đi sâu vào cái gì, cách thức ra làm sao, cũng như lựa chọn thông tin và áp dụng phương pháp gì… mới là việc cần làm chứ không chỉ mỗi tấm bằng là có thể khẳng định anh làm được việc.

Nếu chuyện đánh giá môi trường được làm thực chất thì đã không có những chiếc “hố tử thần” xuất hiện trên xa lộ, không có chuyện động đất tại thủy điện Sông Tranh… Hơn nữa, theo TS. Kinh, dự thảo lần này vẫn chưa sửa đổi được chuyện “tréo ngoe” là địa điểm được phê duyệt mới làm ĐTM, trong khi mọi chuyện phải là ngược lại, có khảo sát, đánh giá tác động môi trường chi tiết trước thì mới quyết định địa điểm để trình lên phê duyệt.

210613_TDBL_baochi2Ngoài ra, hiện công tác ĐTM chỉ dựa vào đánh giá mỗi tiêu chuẩn chất thải, số liệu quan trắc không đầy đủ, nên nếu cảm giác có sự sai sót, có thể gây ô nhiễm… thì cũng không có bằng chứng vì thiếu máy móc đo đạc. Vì vậy, ông Kinh cho rằng cần một hệ thống quan trắc mạnh, sẽ là bằng chứng pháp lý để “chặn” các dự án gây tác hại xấu.

Ví dụ như dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, vì không có tiêu chuẩn về đa dạng sinh học nên chủ đầu tư nói thiệt hại ít, ĐTM kết luận thiệt hại lớn, các bên cứ tha hồ tranh cãi nhau vì không có thông tin đo đạc làm bằng chứng, cũng chẳng có tiêu chuẩn nào. Chuyện làm công tác ĐTM chính xác, không mắc lỗi còn phụ thuộc vào nhiều thứ chứ không chỉ có cái chứng chỉ là đảm bảo cán bộ môi trường này giỏi, đảm bảo tốt công việc.

210613_TDBL_baochi3Nếu như chứng chỉ hành nghề chỉ nên do một “hội nghề” đặc trưng cấp cho thành viên của mình chứng tỏ anh đã thạo nghề thì hiện nay, chứng chỉ này đang được hiểu như một loại “giấy thông hành” được trưng ra cho mọi trường hợp, mọi ngành nghề một cách không cần thiết. Chưa kể chi phí làm thẻ và thời gian bỏ ra để xin cấp và phát thẻ cũng sẽ tốn ngân sách không nhỏ trong bối cảnh hiện nay, chỉ để lấy một cái bằng chưa chắc đã tốt hơn cho công việc hiện tại. Chuyện sính bằng cấp có lẽ đã lây lan từ trên xuống, từ dưới lên và bây giờ lan chéo sang các ngành nghề khác. Có điều, với văn hóa – giáo dục, sau khi đặt ra các quy định cấm, rồi đề xuất cấp chứng chỉ là sẽ xuất hiện “cảnh sát” trang phục và “cảnh sát giáo dục” thì “môi trường” văn minh hơn “đi tắt đón đầu” hơn là đã có cảnh sát môi trường, giờ là đề xuất cấp chứng chỉ.

Một quy trình quản lý vẫn chỉ gồm quy định cấm, có cảnh sát giám sát, rồi “neo” mọi chuyện vào một cái thẻ để dễ kiểm soát… như một chiếc vòng “kim cô” cho bất kỳ ngành nghề nào, và thử hỏi, liệu sau những việc như thế ngành văn hóa có “hóa” nhân văn hơn được chút nào không? Học sinh, phụ huynh và giáo viên có hài lòng hơn không hay giáo dục vẫn đi lạc đường? Và có ai dám chắc rằng sẽ không còn thủy điện động đất hay vỡ đập, môi trường bị tàn phá nữa không? Chắc là không, lúc đó lại đổ tại do… lỗi in ấn hoặc… lỗi hệ thống.