“Sẽ trung thực hơn nếu bộ trưởng nói mất rừng do quản lý bất cập”

“Bộ trưởng nói diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp do Mỹ rải hoá chất. Như thế không sai, nhưng sẽ toàn diện, trung thực hơn nếu nói nguyên nhân do quản lý bất cập”, đại biểu nói.

Quản lý rừng tự nhiên và tác động từ việc mất rừng dẫn đến “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” thời gian qua tiếp tục được đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 4/11, về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020.

Một ha rừng tự nhiên giá trị hơn 100 ha rừng trồng

Muốn dùng quyền tranh luận để trao đổi lại với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhắc lại phát biểu của tư lệnh ngành nông nghiệp trong phiên thảo luận ngày 3/11.

Khi đó, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết tổng diện tích rừng hiện nay là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Bộ trưởng khẳng định kết quả này là “sự cố gắng vượt bậc”.

Về việc giữ rừng tự nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp nhận định rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi trong giai đoạn chiến tranh, quân đội Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung, muốn khôi phục phải từng bước.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được. Ảnh: Quốc hội.

Tranh luận với quan điểm này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng khai thác rừng trái phép cũng xảy ra nhiều trên cả nước, xâm hại diện tích rừng tự nhiên. Báo cáo kiểm toán nêu rõ nhiều sai phạm trong việc cấp phép các dự án khai thác tài nguyên.

“Bộ trưởng Nông nghiệp nói diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp là do Mỹ rải thảm hoá chất. Nói như thế không sai, nhưng sẽ toàn diện, trung thực, thuyết phục hơn nếu bộ trưởng phân tích nguyên nhân từ những bất cập trong việc quản lý từ Trung ương đến địa phương có rừng”, bà Mai nói.

Đại biểu Mai lập luận việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được. Giữ được một ha rừng tự nhiên, giá trị còn cao hơn 100 ha rừng trồng mới.

Nhắc đến hậu quả nặng nề của đợt thiên tai vừa qua, nữ đại biểu cho rằng trong rất nhiều nguyên nhân có phần chủ quan do con người đang phá hủy môi trường.

“Và cái giá phải trả thực sự quá đắt”, bà Mai nói trong thiên tai, chúng ta thấy được tình người, nhưng cũng thấy được những lỗ hổng cần điều chỉnh kịp thời.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) góp ý khung pháp lý về cấp phép thủy điện nhỏ cần được sửa đổi, bổ sung. Ảnh: Quốc hội.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) dẫn nhiều ý kiến cho rằng các nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường.

“Người ta xây dựng thủy điện với lý do điều tiết nước nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lời từ cây rừng bị chặt phá là chính. Khi họ phá rừng cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước”, nữ đại biểu dẫn phát biểu của giám đốc Sở KH&CN một địa phương.

Từ đó, bà Dung nhận định khung pháp lý về cấp phép thủy điện nhỏ cần được sửa đổi, bổ sung, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “phải hạn chế xây dựng thủy điện nhỏ để hạn chế lấy rừng và đất rừng”.

Có thể giảm phụ cấp của đại biểu Quốc hội
Là đại biểu của một tỉnh chịu thiệt hại nặng trong đợt thiên tai vừa qua, ông Hà Sỹ Đồng (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) chia sẻ trước Quốc hội về những cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt nhất trong gần 10 năm làm đại biểu. Đó là khi ông trực tiếp chỉ đạo cứu nạn trong đợt lũ lụt khủng khiếp tại Quảng Trị vừa qua.

Ông Đồng cho biết giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện thành công 2 dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở, ổn định cuộc sống cho 295 hộ dân. Hiện nay, tỉnh còn 2 dự án được phê duyệt từ năm 2012 mà chưa được bố trí nguồn vốn để đầu tư.

Ngoài hoãn tăng lương, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng có thể giảm cả phụ cấp của các cấp, các ngành, kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai. Ảnh: Quốc hội.

Trước diễn biến bất thường của thiên tai, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh nhu cầu bố trí dân cư phòng tránh thiên tai, đặc biệt là các hộ ven biển, vùng ngập lụt và vùng sạt lở đất còn rất nhiều.

Trong khi nguồn vốn của Nhà nước hàng năm quá thấp (vốn sự nghiệp 5 năm 2016-2020 chỉ có 14 tỷ đồng, bình quân khoảng 2,8 tỷ đồng/năm), chỉ đáp ứng 15%-20% so với nhu cầu thực tế.

“Chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình di dân đã được Nhà nước nhiều lần thay đổi theo hướng cao hơn, nhưng vẫn còn ở mức thấp”, ông Đồng nhận định.

Đại biểu tỉnh Quảng Trị đề nghị bổ sung đối tượng được hỗ trợ là người dân bị ảnh hưởng của bão, lũ lịch sử vừa qua, vì mức độ khó khăn của họ rất nặng nề, hơn cả những người bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ, khi xem xét dự toán năm 2021 cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn, phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai hiệu quả, kịp thời.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu địa hình, địa chất, xác định vùng nguy hiểm, ẩn chứa nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để sơ tán dân kịp thời.

Đặc biệt, đại biểu Đồng đề nghị Chính phủ đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương có thể giảm cả phụ cấp của các cấp các ngành, kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực ứng phó với thiên tai, giúp nhân dân ổn định cuộc sống