“Đại hồng thủy” ở miền Trung: Thêm một lần tang thương

ThienNhien.Net – Trong những ngày qua, khúc ruột miền Trung lại một lần nữa hứng chịu thêm trận “Đại hồng thủy” lịch sử. 115 người chết và mất tích, 55 người bị thương, hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng – không biết đây đã là con số cuối cùng mà trận lũ này gây ra cho các tỉnh miền Trung, trong đó 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định phải chịu mất mát đau thương nặng nề nhất. Dù bão đã qua, mưa đã dứt, song nước lũ trên địa bàn các tỉnh này vẫn còn ở trên mức báo động 3, nhiều vùng vẫn bị cô lập trong lũ dữ. Dự báo số người chết và mất tích tại các địa phương tiếp tục gia tăng.

Theo tin tổng hợp từ Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTƯ) ngày 04/11, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Mirinae, tại các tỉnh Trung bộ và Nam Tây Nguyên đã có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 200-400mm. Do mưa lớn kéo dài, lũ trên các sông ở Trung bộ và Nam Tây Nguyên lên rất nhanh; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai đã vượt mức báo động 3, có nơi vượt mức nước lũ lịch sử.

Báo cáo sơ bộ của các địa phương cho biết, mưa lũ đã làm 115 người chết và mất tính, 55 người bị thương, hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng, hàng trăm nhà cửa sập đổ, hàng nghìn ao cá – tôm, lồng bè bị nhấn chìm. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông, đặc biệt trên quốc lộ 1A. Tuyến đường sắt Bắc Nam bị tắc ở nhiều đoạn.

Dự báo mới nhất từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, lũ các sông ở Quảng Ngãi tiếp tục lên chậm; các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai tiếp tục xuống. Đến chiều tối 05/110), mực nước tại Trà Khúc có khả năng lên mức 4,5m, trên BĐ2: 0,3m; tại Sông Vệ lên mức 3,8m, dưới BĐ3: 0,3m; tại Thạnh Hòa xuống mức 6,5m, ở mức BĐ2; tại Phú Lâm xuống mức 2,5 m, ở mức BĐ2. Theo đó, tình trạng ngập úng cục bộ ở vùng trũng, đồng bằng ven sông còn diễn ra ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên và Gia Lai.

Do đó, để chủ động đối phó với mưa lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả từ Trung ương đến địa phương được tiến hành khẩn trương

Tối 03/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn chỉ đạo các Bộ, ngành và các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai huy động mọi lực lượng, phương tiện, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ. Thủ tướng yêu cầu, bằng mọi biện pháp tiếp cận vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu để thực hiện cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn, đưa đồng bào đến nơi an toàn.

Tiếp đó, chiều 04/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến Phú Yên trực tiếp thị sát nắm tình hình. Trực thăng đã được huy động để chở thực phẩm cứu trợ và đưa người dân thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, dốc toàn lực tập trung tiếp cận các vùng bị cô lập, tiếp tế lương thực và các nhu yếu phẩm không để người dân bị đói, rét; tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người chết, bố trí nơi ở tạm cho những gia đình bị mất nhà cửa, sớm ổn định đời sống.
Sau khi nước rút, huy động các tổ chức đoàn thể giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hỏng; khẩn trương khôi phục lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu: trường học, bệnh xá, giao thông, thủy lợi; tập trung xử lý môi trường, phòng tránh dịch bệnh và có kế hoạch cung cấp các giống cây trồng cho nhân dân để phục hồi sản xuất.

Cũng trong ngày 04/11, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng cử đoàn trực tiếp đi cứu trợ ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hoà và Ninh Thuận.

Trước những khó khăn chồng chất đang đặt ra, cùng lúc này, nhiều cá nhân, tổ chức và các địa phương khác đã quyên góp, khẩn trương cứu trợ cho đồng bào miền Trung. Dẫu biết không có gì bù đắp nỗi đau thương mất mát, nhưng góp một chút lửa sưởi ấm tình người sau cơn bão lũ vẫn là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt.