Biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó ở Bến Tre

ThienNhien.Net – Theo dự báo của các chuyên gia về môi trường, trong tương lai, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng xảy ra nhiều và mạnh hơn. Trong đó, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, xâm nhập mặn và hạn hán là vấn đề thời sự của tỉnh Bến Tre.


Có thể thấy, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: xâm nhập mặn, hạn hán, triều cường, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc có xu hướng xảy ra thường xuyên và ngày càng mạnh hơn, như đợt xâm nhập mặn vào năm 2005 hay cơn bão Durian đổ bộ vào Bến Tre cuối năm 2006 là một minh chứng.

Ở Bến Tre, đất vốn đã bị thoái hoá do quá lạm dụng phân vô cơ, hiện tượng khô hạn, rửa trôi do mưa tăng sẽ dẫn tới tình trạng thoái hoá đất trầm trọng hơn ở một số địa phương. Tài nguyên nước trong tỉnh cũng biến động mạnh gây ảnh hưởng đến việc trữ nước và cấp nước. Nhiều năm qua, sâu hại và dịch bệnh xảy ra liên tục và lan rộng đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và sinh sản của cây trồng.

Bên cạnh đó, lượng mưa hàng năm biến động thất thường, tập trung nhiều vào mùa mưa. Trong mùa khô, lượng mưa tăng – giảm không rõ rệt, có xu hướng giảm nhiều hơn. Cường độ mưa, với những đợt mưa lớn sẽ nhiều hơn, dẫn đến ngập lụt tăng, nhất là khu vực ven biển, khu đô thị. Các đợt không mưa kết hợp nắng nóng, hạn trong mùa khô, thậm chí ngay cả trong mùa mưa cũng xảy ra nhiều hơn.

Tất cả những tác động do biến đổi khí hậu nêu trên sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nơi cư trú và sức khỏe con người, đến phát triển kinh tế xã hội, uy hiếp sự phát triển bền vững.

Trước tình hình đó, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã có những hoạt động thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, như: Ứng dụng mô hình nuôi và chế biến thuỷ thích ứng với nhiễm mặn nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; Gia tăng nhóm cây ăn trái chất lượng cao, chú trọng phát triển và bảo tồn các loại cây đặc sản của tỉnh; Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại và hộ gia đình; Đẩy mạnh cơ chế phát triển sạch, phát triển bể biogas trong cộng đồng dân cư, bảo vệ gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm của điạ phương; Chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường triệt để; Quy hoach hệ thống thủy lợi nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngoài ra, vấn đề trồng và bảo vệ rừng cũng được chú trọng. Cơ chế giao khoán cho dân chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng đã góp phần hạn chế nạn chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm vuông nuôi tôm. Vấn đề quy hoạch đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất hợp lý, vừa đáp ứng hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, vừa thích ứng với điều kiện khí hậu từng vùng trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, việc Chính phủ ra Nghị quyết phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) tỉnh Bến Tre” là một thuận lợi lớn cho địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của mình. Theo đó, các cấp, các ngành đều khuyến khích các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, những mô hình kinh tế tập trung tìm các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Trong tương lai, để tỉnh Bến Tre tăng cường nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, các bộ – ngành trung ương cần quan tâm hỗ trợ kinh phí và chuyên môn để Bến Tre có thể thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phod với biến đổi khi hâu, như:

– Nghiên cứu và hỗ trợ tỉnh xây dựng các công trình thủy lợi thoát lũ, ngăn mặn, đê biển, đê vùng cửa sông, các công trình phòng chống sạt lở ven sông, ven biển. Xây dựng hệ thống phòng tránh, trú bão, sóng và nước biển dâng.

– Hỗ trợ triển khai các dự án trồng rừng, thủy lợi phục vụ nông nghiệp, các chương trình điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường. Giảm thiểu khả năng tổn thương của rừng hiện nay, để giúp nâng cao khả năng phục hồi trước những tác động của biến đổi khí hậu.

– Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, nâng cấp các công trình kênh mương điều tiết và hệ thống thoát nước đô thị trên toàn tỉnh.

– Xây dựng quy hoạch và quản lý nguồn nước ngầm, nước mặt; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về cung cấp nước sạch, mở rộng qui mô của các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là Nhà máy nước Tân Mỹ, huyện Ba Tri), để tăng tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh, nhất là 03 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.

– Bảo tồn và giữ gìn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, ứng dụng khoa học công nghệ trong lai, ghép, tạo giống mới. Tổ chức nâng cấp ngân hàng giống và phát triển giống mới cho năng suất cao, thích ứng với điều kiện thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn tại Bến Tre. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng khoa học công nghệ tưới tiết kiệm nước, kỹ thuật canh tác nông nghiệp tăng sản và giảm nhẹ phát thải khí mêtan.

– Đầu tư phương tiện, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quan trắc môi trường, nhất là xây dựng các trạm quan trắc chất lượng nước cửa sông ven biển.

– Xây dựng các mô hình giảm thiểu và thích ứng với sự biến đổi của khí hậu.

– Hỗ trợ công tác truyền thông, giáo dục môi trường, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về biến đổi khí hậu và phát triển bền
vững.