Bán gỗ trôi nổi, bù thiệt hại cho dân

ThienNhien.Net – Có ý kiến cho rằng các cấp chính quyền địa phương nên quản lý chặt lượng gỗ, nhằm tận dụng hiệu quả số lượng gỗ trôi nổi trong đợt lũ vừa qua, đồng thời hạn chế tình trạng cạnh tranh trong việc thu gom gỗ, sau đó tổ chức bán đấu giá hoặc tận thu gỗ. Số tiền thu đựơc có thể bù đắp phần nào thiệt hại và giúp người dân khắc phục hậu quả bão lụt.

–> Rừng “tố khổ”

Theo phản ánh của Công An Nhân Dân, ở nhiều nơi, tình trạng tranh vớt gỗ diễn ra rất tự do, những người tổ chức vớt gỗ chủ yếu là những đối tượng có máu mặt, thường thuê nhân công và tranh những bãi gỗ lớn. Nhiều người coi đây là cơ hội “trúng số” và kiếm lời hàng trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng từ việc vớt gỗ.

Điều đáng nói là chính những khối gỗ khổng lồ này đã góp phần làm tăng thêm thảm họa khi cuốn trôi đi rất nhiều thôn làng, công trình dân sinh và cả những cây cầu kiên cố… Chỉ riêng tại Kon Tum, đã có đến 200 công trình thủy lợi, 40 cây cầu cùng hàng chục thôn bản bị “lũ gỗ” xóa sổ.

Được biết, hiện nay mới chỉ có tỉnh Kon Tum ra chỉ thị thống kê số gỗ tận thu được để dựng nhà và xây trường cho dân. Nếu như các nhà chức trách quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đã bị khai thác lậu này sẽ không chỉ hạn chế tình trạng tiêu cựu, chụp giật mà còn góp phần giúp người dân sớm hồi phục sau bão lũ.