Chưa hạ hồi cuộc luận bàn về năng lượng sạch

ThienNhien.Net – Trước sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu, loài người đang nỗ lực khai thác những nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo. Nhưng ngay cả với những dự án tưởng chừng “xanh” nhất, vẫn tồn tại những mặt trái chưa thân thiện môi trường. Bởi ngoài những lợi ích về nguồn năng lượng có thể tái tạo, bao giờ cũng vẫn còn những hệ lụy khác liên quan tới môi trường, kinh tế và chính điều này đã tạo ra những tiếng nói trái chiều từ các nhà bảo vệ môi trường.


Năng lượng từ thủy triều

Các nhà bảo vệ môi trường đang lên tiếng phản đối với những hành động mạnh tay nhằm chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang các nguồn năng lượng có thể tái tạo. Tại sao có sự trớ trêu này?

Tranh cãi bắt đầu bùng lên từ ý tưởng xây đập Severn ở phía Tây nước Anh đã được đề xuất từ 35 năm về trước, nhằm chuyển 8 nhà máy điện chạy than sang chạy bằng năng lượng thủy triều, với chi phí dự tính 14 tỷ USD.

Vấn đề được tranh luận giữa các nhà bảo vệ môi trường là quy mô của dự án. Quy mô lớn thì sẽ ảnh hưởng nhiều, đúng như ý tưởng từng được đưa ra trong cuốn “Nhỏ thì đẹp” của E.F. Schumacher’s. Đối với các nhà môi trường, nhiên liệu sinh học sẽ được ưa chuộng nếu đó là sản phẩm tái chế từ mỡ dùng trong nấu nướng, nhưng nếu phải trồng hàng triệu ha dầu cọ trong rừng mưa nhiệt đới Borneo để lấy dầu thì lại là cả một vấn đề. Dùng những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà thì đáng khuyến khích nhưng dùng chúng để trải thảm tất cả các sa mạc lại là chuyện khác. Những turbin gió nhỏ và thậm chí là những trang trại gió nhỏ sẽ được tán thưởng nhưng nếu năng lượng gió được khai thác trên quy mô công nghiệp có thể sẽ gây bất bình…

Tuy nhiên, quy mô nhỏ có thể tốt song lại không thể thay đổi cả thế giới. Không thể sản xuất số lượng lớn năng lượng sạch mà không có những dự án xây dựng tầm cỡ dù những dự án này không thể tránh khỏi những tổn hại nhất định tới môi trường.

Có thể coi Dự án đập Severn là một ví dụ. Cửa sông Severn là một kiệt tác của thiên nhiên vương quốc Anh với biên độ triều (sự chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất của thuỷ triều) cao nhất thế giới và cửa sông hình phễu dài cho phép biên độ triều đạt tới 13 mét. Thuỷ triều nơi đây dâng mạnh đến mức tạo ra các con sóng chảy về thượng lưu sông, nổi tiếng với tên gọi Triều lớn Severn.

Tháng 1/2009 chính phủ Anh đã tuyên bố sẽ xây những dự án lớn để khai thác năng lượng từ biên độ triều của sông Severn. Dự án khả thi nhất là một con đập khổng lồ 16 km chạy dọc cửa sông, bao gồm 4 dự án nhỏ. Cả con đập sẽ chặn hơn 400 km2 vùng cửa sông. Khi thuỷ triều lên, cửa sông sẽ được mở để dẫn nước vào; khi thuỷ triều đã dâng cao, cửa sông đóng lại và xả nước làm quay các turbin.

Theo lý thuyết, đập nước có thể đạt công suất tối đa 8,6 GW, đủ để cung cấp cho 5% nhu cầu điện của vương quốc Anh, cao gấp 35 lần so với nhà máy điện thủy triều ở cửa sông Rance của Pháp. Tuổi thọ của công trình có thể lên đến hơn một thế kỷ, gấp vài lần các nhà máy điện thông thường.

Tuy nhiên, chính biên độ triều khổng lồ này lại là điều mà Hội Bảo tồn chim Hoàng Gia (RSPB) lo ngại nhất, bởi một nửa trong số những vũng bùn, những bờ cát và những đầm muối với tổng diện tích lên tới hàng trăm km2 sẽ bị con đập làm tắc ngẽn.

Thêm vào đó, ở những vùng cửa sông bị con đập chặn lại, mức thủy triều thấp nhất có thể tăng thêm 5m so với trước. Điều đó có nghĩa là khu vực có thuỷ triều sẽ luôn luôn bị ngập nước, bao gồm 190 km2 môi trường sống của các loài động vật hoang dã quý hiếm, nơi trú đông của hơn 70.000 con chim. Đập nước cũng cản trở luồng di cư của lươn biển và cá hồi.

Theo Tổ chức Những Người Bạn Trái Đất thì đập nước sẽ “nhấn chìm một trong những địa điểm cư trú quan trọng nhất của động vật hoang dã ở Châu Âu.”

Đáng tiếc là không có nơi nào khác thuận lợi hơn thế để xây đập. Nỗ lực tìm kiếm những địa điểm có tiềm năng khác để khống chế biên độ triều bất thường không mang lại kết quả, bởi chính biên độ triều ở cửa sông Severn lại giúp tạo ra tới 80% tài nguyên tiềm năng của quốc gia.

Một lựa chọn khác là bỏ con đập đi và thay thế nó bằng các phá dọc cửa sông để giữ lại một số khu vực cư trú của các sinh vật, như vậy, dĩ nhiên sẽ tạo ra ít điện hơn so với xây dựng đập.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất về mô hình trang trại gió dưới nước với các turbin gắn dưới đáy biển ở những khu vực có dòng chảy mạnh. Song vấn đề nằm ở chỗ không ai biết chắc về lượng điện năng mà các dòng thuỷ triều có thể sản sinh. Theo lý thuyết, tổng năng lượng có thể tạo ra từ tất cả 20 địa điểm khai thác cũng chỉ xấp xỉ bằng mức năng lượng mà riêng đập Severn sinh ra. Vả lại công nghệ này vẫn còn trong giai đoạn phát triển sơ khai, trong khi những địa điểm hứa hẹn nhất lại cách xa mạng lưới truyền tải điện tới người tiêu dùng.

Có vẻ như đang tồn tại một thực tế hiển nhiên là chỉ những dự án lớn mới đủ sức cung cấp một lượng lớn năng lượng tái tạo, song sự thật khó chấp nhận này lại đang gây chia rẽ các quan điểm bảo vệ môi trường.

Năng lượng gió

Ngoài thủy triều, năng lượng gió là một trong những ưu tiên hàng đầu trong khai thác năng lượng sạch. Các nghiên cứu về nguồn năng lượng gió ở khu vực đất liền của Châu Âu cho thấy, hầu hết gió tập trung ở vùng cao nguyên, đặc biệt là ở Vương quốc Anh, nơi chiếm tới 40% lượng gió có thể khai thác được ở Châu Âu và có khả năng đóng góp tới 1/5 lượng điện năng tái tạo của Liên minh Châu Âu vào năm 2020. Tuy nhiên, phần lớn nguồn năng gió này tập trung ở vùng cao nguyên Scotland và khai thác chúng đồng nghĩa với việc phải đặt những turbin lớn trên đỉnh đồi.

Nhiều ý kiến cho rằng, khai thác ngoài biển khơi có thể là giải pháp đối với nguồn năng lượng này vì gió ở đó sẽ mạnh hơn và có thể lắp đặt những turbin lớn hơn do không có những vật cản xung quanh. Tuy nhiên giải pháp này chưa giải quyết được những vấn đề về môi trường.

Vương quốc Anh lại là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Kế hoạch xây dựng 10 trang trại gió ở vùng bờ biển Scotland năm nay đã có được những tiến triển ban đầu song vẫn đặt ra những quan ngại liên quan tới môi trường sống của sinh vật biển. Môi trường nước ở Scotland là nơi sinh sản của 45% loài chim biển ở Châu Âu, rất nhiều loài trong số chúng sống xung quanh những dải đá ngầm và chỗ nước cạn thích hợp cho việc xây dựng các trang trại gió. Tiếng ồn phát sinh trong quá trình xây dựng cũng là một vấn đề đáng lo ngại vì chúng khiến các sinh vật biển sợ hãi.

Tại Mỹ, những trang trại gió ngoài khơi cũng gặp trở ngại. 130 tuabin trong dự án Cape Wind cho Nantucket Sound ngoài bờ biển Massachusetts được kỳ vọng là trang trại gió ngoài khơi đầu tiên của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của dư luận vì lo ngại dự án sẽ khiến đại dương mất đi vẻ đẹp vốn có của nó.

Truyền tải điện

Một vấn đề gây nhiều tranh cãi khác là khâu Truyền tải – một trong ba công đoạn lớn của ngành điện. Scotland đang cân nhắc về khoản đầu tư 300 triệu bảng cho xây dựng đường dây cao thế truyền điện từ trang trại gió vùng cao xuống khu vực dân cư tập trung ở vùng thấp của Scotland và Anh. Phương thức rẻ nhất là xây dựng các đường cáp treo qua công viên quốc gia Cairngorms song lại kém thẩm mỹ hơn so với cách dùng cáp xuyên đại dương, vốn sẽ tốn kém hơn.

Tình thế khó khăn của dự án ở Scotland không phải là ngoại lệ, bởi phần lớn các nguồn năng lượng có thể tái tạo không thể cung cấp năng lượng một cách ổn định. Gió là điển hình cho sự thất thường này. Thuỷ triều và năng lượng mặt trời có thể dự báo được nhưng cũng không ổn định. Trong khi đó, nếu muốn có nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả thì phải tạo ra lượng điện năng ổn định, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Chỉ có duy nhất một giải pháp triệt để là xây dựng các hệ thống truyền tải để kết nối nhiều nguồn năng lượng tái tạo khiến chúng có thể hỗ trợ cho nhau. Để hoạt động tốt, các hệ thống này cần được xây dựng trên quy mô châu lục.

Một ý kiến khác là xây dựng một lưới điện lớn ở châu Âu, nối liền các trung tâm dân cư và các khu công nghiệp của các nước như Đức, Pháp và Anh với những nguồn năng lượng sạch tiềm năng của châu lục vốn nằm chủ yếu ở vùng ngoại biên, bao gồm năng lượng địa nhiệt ở Iceland, thuỷ điện ở Scandinavia, năng lượng gió ở Biển Bắc và năng lượng mặt trời ở bán đảo Iberian và sa mạc Sahara.

Đó chính là mạng lưới có thể đảm bảo cung cấp năng lượng tái tạo đáp ứng hầu hết, nếu không phải là tất cả, nhu cầu của Châu Âu. Khi mặt trời lặn ở sa mạc Sahara thì người Đức có thể dùng năng lượng từ Iceland. Nếu như gió thổi dữ dội ở Biển Bắc, năng lượng dư thừa này có thể dùng để bơm nước lên những quả đồi cao ở giữa các hồ chứa nước trên sông Norwegian, sẵn sàng cung cấp năng lượng khi gió ngừng thổi.

Tuy nhiên kế hoạch này vẫn còn tranh cãi xung quanh việc liệu những nhà môi trường địa phương có phản đối các đường dẫn năng lượng đi qua; đồng thời cũng cần chú ý đến chiến dịch “cứu sa mạc” khi nguồn năng lượng mặt trời khai thác từ đây được xem xét một cách nghiêm túc.

Hai trường phái bảo vệ môi trường

Tất cả những tranh cãi trên đều liên quan tới việc cải tiến công nghệ xanh giúp tạo ra một sự khác biệt lớn đối với môi trường. Các cuộc tranh luận nổi lên hai trường phái với quan điểm bảo vệ môi trường hoàn toàn trái ngược nhau: một bên là những “nhà phát triển”, những người coi thiên nhiên là một nguồn tài nguyên để khai thác; bên kia là những “nhà bảo tồn” giữ quan điểm về quyền bất khả xâm phạm của thiên nhiên và hệ sinh thái.

Đối với các nhà bảo tồn, đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và môi trường là điều không thể xảy ra. Còn rất nhiều vấn đề gây tranh cãi giữa hai trường phái bảo vệ môi trường này.

Càng nhiều quốc gia lựa chọn nguồn năng lượng tái tạo thì nó sẽ càng phát triển nhanh hơn, với giá rẻ hơn. Càng có nhiều các tập đoàn lớn tham gia vào nỗ lực phát triển này, sẽ càng có thêm những khó khăn được giải quyết. Đồng thời, những nhà bảo tồn sẽ không tránh khỏi những lực cản trong công cuộc bảo vệ thế giới tự nhiên từ phía những nhà bảo vệ môi trường khác ủng hộ năng lượng sạch.

Điều quan trọng là những quan điểm trái chiều và mâu thuẫn giữa các nhà bảo vệ môi trường này đều có những lý lẽ biện giải có vẻ xác đáng. Rất khó để xác định bên nào đúng, bên nào sai. Tất cả đều cho rằng cách làm của họ sẽ đảm bảo một kết quả thuận buồm xuôi gió. Song trên thực tế, điều này hiếm khi xảy ra.