Lỗ hổng quản lý rủi ro thiên tai và hiểm họa “nhân tai”

ThienNhien.Net – Lũ lụt xảy ra ở miền Trung, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ… cho thấy biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang ngày càng trở gay gắt, phức tạp.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục, Môi trường và Phát triển (CERED) nhận định: “Miền Trung ngập lụt- một trong các hệ lụy của biến đổi khí hậu cũng như hệ lụy của một cách quản lý rủi ro thiên tai thiếu đồng bộ, nhất quán hiện nay. Điều nguy hiểm, nhân tai “kích hoạt” thiên tai”.

“Nhiều trường hợp lũ chưa đến nhưng vì sợ công trình bị ảnh hưởng nên nhiều thủy điện xả lũ sớm, gây hậu quả ngập lụt lâu hơn, gây thiệt hại lớn cho sản xuất, tài sản và cả tính mạng người dân hạ lưu”, vị chuyên gia này thẳng thắn nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, thời gian gần đây, lũ quét, lũ kép thường xuyên xảy ra trên địa bàn miền Trung là do nhiều cánh rừng nơi này đã bị tàn phá, làm mất đi thảm thực vật. Phong trào “nhà nhà thủy điện, địa phương thủy điện”- xây dựng tràn lan thủy điện như là việc thể hiện thế mạnh của địa phương đã gia tăng nguy cơ lũ lụt…

Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề (Ảnh VNN).
Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề (Ảnh VNN).

Thực tế cho thấy, các thủy điện trên địa bàn miền Trung chỉ mới có giải pháp “phòng lũ” cho công trình chứ không màng đến việc phòng lũ cho các vùng hạ lưu.

Liên quan đến lũ lụt và tình trạng gập úng tại miền Trung vừa quá, trao đổi với PV, GS.TSKH.Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho hay, tình trạng ngập úng ở hạ lưu là trách nhiệm của người điều hành chứ không phải do bản thân nhà máy thủy điện đó gây ra úng ngập.

“Trong giai đoạn thi công xây dựng nhà máy thủy điện thì vấn đề xả nước, bể chứa nước quá đầy và phải xả… đều nằm trong đánh giá môi trường, đều tính toán được và trong điều hành của Bộ Công Thương cũng đã có yêu cầu với bên điện lực, việc xả lũ phải tính toán đến việc hạ lưu có gây ra úng hay không”, GS.Đăng nhận định.

Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt (Ảnh VNN)
Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt (Ảnh VNN)

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng cho rằng: “Bộ TN&MT đã dự báo trước, Thủ tướng cũng đã kêu gọi các đơn vị có biện pháp đề phòng… mà vẫn xảy ra tình trạng ngập úng này là do điều hành có vấn đề. Việc xả lũ này chưa quan tâm đúng mức nên đã gây ra thiệt hại lớn về môi trường với khu vực hạ lưu, nếu có sự tính toán đúng thì đã không xảy ra”.

Theo GS.Đăng, mục tiêu của thủy điện là phát ra điện và điều hòa nguồn nước, lúc hạn hán sẽ cung cấp nước cho hạ lưu và lúc thừa nước thì bể chứa của thủy điện giữ lại nước để tránh úng ngập cho hạ lưu. Đó là nhiệm vụ của thủy điện.

“Việc vận hành của nhà máy thủy điện cần thực hiện đúng theo quy trình đã tính toán theo thiết kế từ trước để không gây ra tình trạng ngập úng”, GS.Đăng nói.