Dầu lửa và sự cáo chung của toàn cầu hóa

ThienNhien.Net – Thị trường toàn cầu suy thoái, những chu kỳ giá dầu bùng nổ rồi rớt giá, xu hướng thời tiết bất thường… tất cả đều cho thấy một thế giới đang ngày càng trở nên khó hiểu. Cuốn sách mới của nhà kinh tế học Jeff Rubin, một chuyên gia hàng đầu về năng lượng, có thể sẽ giúp chúng ta hiểu và lý giải thế giới rõ hơn.


Trong cuốn sách Tại sao thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé, dầu và sự cáo chung của toàn cầu hoá, Rubin đã liên hệ tác động của nguồn cung dầu giá rẻ với mức tăng chóng mặt nhu cầu về dầu, biến đổi khí hậu, dân số và cả mức năng lượng tiêu thụ trên đầu người ở những nước OPEC.

Theo ông, nếu dầu giá rẻ đã dẫn tới toàn cầu hóa, bùng nổ kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu, thì khi dầu giá rẻ không còn, một kỷ nguyên mới mang tính địa phương sẽ mở ra, không còn mang tính toàn cầu như trước.

Hơn 30 năm qua nhân loại đã xây dựng một nền kinh tế toàn cầu dựa vào dầu giá rẻ. Dầu thô từng có giá chỉ 20 USD một thùng vào năm 2000, song giờ đây nếu giá dầu rớt xuống mức 50-60 USD một thùng – cao gấp ba lần so với giá dầu một thập niên trước – chúng ta vẫn nghĩ đó là một mức giá rẻ.

Theo Rubin, nguồn dầu giá rẻ đang khan hiếm dần. Điều này không có nghĩa là nguồn dầu mỏ đã cạn kiệt, mà là lượng dầu chúng ta có khả năng mua được càng ngày càng ít đi. Dựa trên Báo cáo năm 2008 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Rubin khẳng định rằng trữ lượng dầu trên thế giới mỗi năm giảm đi 6,7%, chứ không phải 3,7% như thông tin trước đó.

Trong khi đó, trữ lượng những mỏ dầu mới khai thác cũng đang được thể hiện bằng một đường đồ thị dốc xuống. Ngày nay, việc khai thác nguồn dầu mới tốn kém hơn rất nhiều do chúng nằm sâu hàng dặm dưới đáy đại dương hoặc dưới các mỏ cát, mỏ đá phiến sét. Nguồn dầu này sẽ không thể khai thác trừ phi dầu thô đạt mức giá sàn mới – 70 USD một thùng hoặc cao hơn nữa.

Tuy nhiên theo Rubin, việc khan hiếm dầu giá rẻ chỉ là một nửa vấn đề. Một nửa vấn đề còn lại là nhu cầu hiện nay về dầu lửa lớn hơn bao giờ hết ở khắp nơi trên thế giới, đúng lúc nguồn dầu đang cạn dần. Chúng ta đang tiêu thụ dầu nhanh hơn rất nhiều tốc độ mà chúng có thể tái tạo trong tự nhiên.

Đối với dầu mỏ, quy luật cung cầu thông thường dường như không thể áp dụng, vì theo lý thuyết, khi cung giảm giá sẽ tăng và giá tăng làm cho cầu giảm. Song dựa vào thực tế tiêu thụ dầu, từ năm 2002 đến năm 2008, giá dầu tăng từ 20 USD một thùng lên gần 150 USD một thùng và bất chấp mức tăng tới 600% này, nhu cầu của thế giới vẫn không giảm mà lại tăng lên gấp đôi.

Rubin đưa ra rất nhiều lý do lý giải cho hiện tượng này, trong đó có lý do nhu cầu dầu nội địa tăng lên ở những quốc gia sản xuất dầu mỏ do gia tăng dân số, chất lượng cuộc sống được nâng cao và sự trợ cấp giá dầu.

Thực tế này liên quan gì tới sự tẩy chay toàn cầu hóa và sự “lên ngôi” của các sản phẩm địa phương? Điều này được Rubin lý giải ngắn gọn bằng “chi phí khoảng cách”. Tất cả những hàng hóa “nhạy cảm với vận chuyển”, nghĩa là trị giá thấp, trọng lượng lớn sẽ bị tính thêm 8-13% giá vận tải. Lợi ích từ thương mại tự do và miễn giảm thuế cũng không thể bù đắp lại.

Theo Rubin, trong tương lai những tập đoàn bán lẻ lớn sẽ tìm kiếm một thị trường gần hơn, đồng nghĩa với giá rẻ hơn để lấy hàng, và có thể còn chuyển sản xuất về gần nơi tiêu thụ. Trong một thế giới mà giá dầu đạt ba con số thì nơi sản xuất càng gần thị trường càng tốt. 

Ông cho rằng những rao giảng về sự đảm bảo “môi trường kinh doanh bình thường” dựa trên công nghệ tiết kiệm năng lượng và xăng ethanol trong toàn cầu hóa chỉ là “trò lừa phỉnh”. Theo ông, nhiên liệu thu được từ ethanol quá ít nên không thể coi là một nguồn năng lượng thực sự. Thêm vào đó, khoảng ba phần tư năng lượng trong một gallon ethanol sản xuất từ ngô có được là nhờ đốt khí tự nhiên (hầu hết là để sản xuất phân bón), diesel và than sử dụng trong các công đoạn trồng ngô.

Ông cũng đề cập tới “nghịch lý sử dụng năng lượng hiệu quả,” khi người dân Bắc Mỹ sở hữu những ngôi nhà lớn hơn, những phương tiện tiêu tốn nhiên liệu hơn, sử dụng máy bay thường xuyên hơn và dùng nhiều đồ điện tử hơn. Và đây là một thực tế: Trong khi lượng dầu mỏ sử dụng trên một đơn vị GDP ở Mỹ giảm hơn 50% kể từ những năm 1970, tổng lượng dầu tiêu thụ đã tăng thêm 20%.

Theo Rubin việc khan hiếm nguồn dầu giá rẻ vừa là tin vui, vừa là tin buồn. Lợi ích cho lao động địa phương, cộng đồng địa phương và một thế giới phát triển mang tính địa phương hơn có thể là tin vui đối với tất cả chúng ta. Thế giới mới này có thể là một nơi tốt đẹp hơn, yên bình hơn và cả mát mẻ hơn nữa, khi lượng nhiên liệu hóa thạch được đốt để sản xuất hàng hóa cho thị trường xa xôi ít hơn nhiều. Song tin buồn là chúng ta sẽ có một thế giới đắt đỏ hơn rất nhiều. Lạm phát có thể trở lại khi giai đoạn suy thoái kinh tế qua đi và nền kinh tế dịch vụ có thể sẽ đến hồi kết.

Nhận xét về cuốn sách của Robin, đã có ý kiến cho rằng bất kỳ ai làm trong lĩnh vực kinh doanh cũng nên đọc cuốn sách này, và tất cả mọi người sống trên hành tinh này nữa, dù rằng những người có xu hướng dự báo tương lai theo cách nhìn lại quá khứ có thể sẽ thấy những kiến giải của Rubin có vẻ thái quá.

Theo nhận định của một số chuyên gia, chúng ta đang ở trong giai đoạn đỉnh điểm của một cuộc đổi thay sâu sắc mang tính toàn cầu. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy điều này. Nếu bạn không thấy được những dấu hiệu ấy, cuốn sách của Rubin chính là thứ bạn cần. Sau khi đọc xong, có thể bạn sẽ thấy thế giới của bạn trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều và bạn sẽ hiểu thêm rất nhiều điều về nó.