Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở từ đông sang tây

ThienNhien.Net – ĐBSCL có Biển Đông và Biển Tây “ôm” từ hai phía. Một thời, biển bồi đắp cho vùng đất này mỗi năm tiến ra khơi hàng chục, hàng trăm mét, tạo nên mũi Cà Mau nổi tiếng. Bây giờ, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), biển đang “ngoạm” trở lại đất liền.

Sạt lở bờ Biển Đông

Tỉnh Trà Vinh có bờ biển dài 65km. Khoảng 10 năm trở lại đây, do ảnh hưởng BĐKH, nước biển dâng cao khiến hàng trăm hécta đất rừng phòng hộ, đất sản xuất, đất ở của hàng trăm hộ dân ở 10 ấp thuộc 3 xã ven biển Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa và Đông Hải (huyện Duyên Hải) bị nước biển xâm thực. Tại xã Hiệp Thạnh, từ năm 1997 đến nay bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, có một số đoạn bị lở sâu từ 500 – 2.000m, xâm thực vào đất liền khoảng 200ha. Hiện nay, huyện Duyên Hải có hàng trăm hộ dân phải sống tại các điểm xung yếu thường xuyên bị sạt lở, tính mạng và tài sản đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Một tuyến đê biển ở Duyên Hải, Trà Vinh bị triều cường đánh vỡ (Ảnh: Trần Lưu)
Một tuyến đê biển ở Duyên Hải, Trà Vinh bị triều cường đánh vỡ (Ảnh: Trần Lưu)

Tại bờ biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang, sạt lở làm diện tích rừng phòng hộ giảm mạnh, từ hàng ngàn hécta, hiện chỉ còn khoảng 700ha. Trong đó, tại nhiều khu vực ven đê xung yếu thuộc xã Tân Thành, Tân Điền, Tân Phước (huyện Gò Công Đông) đã không còn rừng phòng hộ, nước biển lấn sát đe dọa chân đê. Tại tỉnh Bến Tre, rừng phòng hộ ven biển cũng bị mỏng dần do sạt lở nghiêm trọng. Qua khảo sát, có khoảng 10 điểm xung yếu thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, mất rừng bởi sóng lớn.

Sạt lở ở mũi Cà Mau

Mũi Cà Mau từng được bồi đắp mỗi năm hàng chục, hàng trăm mét. Nhưng bây giờ, bờ biển tỉnh Cà Mau đang bị sạt lở nghiêm trọng, có những nơi lên đến 50m/năm. Có 80% đường bờ biển, kể cả bờ Biển Đông và bờ Biển Tây, bị sạt lở với diện tích rừng phòng hộ bị mất khoảng 305ha/năm. Theo khảo sát của Sở NNPTNT Cà Mau, toàn tuyến bờ biển trên địa bàn có 40,528km sạt lở. Trong đó, có 6 đoạn sạt lở rất nguy hiểm, tổng chiều dài 22,982km. Nguy hiểm nhất là đoạn Đá Bạc – Kinh Mới có khoảng 1,5km đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Tô Quốc Nam – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau – cho biết, do tình trạng sạt lở diễn ra rất nhanh, với cường độ ngày càng lớn, hiện nay có 15km đê biển cần được đầu tư xây dựng kè để bảo vệ, trong đó có trên 5km cần phải được xử lý ngay. Để đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, cần phải khẩn cấp đầu tư xử lý khắc phục hoàn thiện các khu vực sạt lở nêu trên. Theo tính toán của Sở NNPTNT Cà Mau, cần khoảng 150 tỉ đồng để chống sạt lở, vượt ngoài khả năng cân đối của tỉnh. Vì vậy, tỉnh Cà Mau đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm hỗ trợ cho Cà Mau số kinh phí trên để tỉnh triển khai các giải pháp khẩn cấp.

Tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều biện pháp chống sạt lở, từ hình thức đơn giản, với kinh phí nhỏ đến hình thức lớn hơn, kinh phí đầu tư cao hơn như kè bản nhựa, kè rọ đá kết hợp cọc bêtông cốt thép, kè chống sạt lở bằng cọc bêtông ly tâm kết hợp đá hộc…

Dạng kè này có thể giảm sóng tạo bãi đảm bảo được khả năng chống xói lở, xâm thực; đồng thời, giữ được phù sa bồi đắp tạo bãi tái sinh cây mắm hoặc có thể trồng cây chắn sóng, khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ rừng, bảo vệ đê biển, tạo điều kiện thích nghi với môi trường sinh thái trước tình hình bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh Trà Vinh cũng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng kè kiên cố bảo vệ những đoạn đê biển xung yếu. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre dồn sức trồng rừng phòng hộ ven biển, nhưng kết quả chưa được là bao.