Quảng Bình: Hiệu quả từ câu lạc bộ chăn nuôi

ThienNhien.net – Do nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi lợn phát triển với quy mô trang trại và số lượng ngày càng tăng, cho nên, những năm qua, hầu hết các huyện, thành phố ở Quảng Bình đều xuất hiện các câu lạc bộ chăn nuôi và hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng đưa ngành chăn nuôi ở đây ngày càng phát triển, trong đó tiêu biểu là các câu lạc bộ chăn nuôi ở huyện Bố Trạch.


Được sự giới thiệu của bà Lê Thị Hồng Tư, chủ hộ chăn nuôi lợn ở xã Lý Trạch, Bố Trạch, mới biết mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn, làm ăn khá hiệu quả cuả gia đình chị Dương Thị Hạnh, ở xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch, người có công quan trọng trong việc thành lập câu lạc bộc chăn nuôi huyện Bố Trạch.

Cũng như bao nhiêu hộ nông dân làm nghề chăn nuôi lợn theo quy mô hộ gia đình ở Bố Trạch, trước đây do chăn nuôi theo hướng tự phát – ngoài làm ruộng ra thì thả thêm một vài con lợn tận dụng nguồn phế thải nông nghiệp để cải thiện kinh tế – ít quan tâm đến kỹ thuật, thức ăn…, cho nên gia đình chị Hạnh cũng gặp không ít khó khăn, số tiền lãi thu được hàng năm không đáng bao nhiêu. Thế nhưng từ khi phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết với các hộ chăn nuôi khác trong xã, trong huyện theo mô hình câu lạc bộ chăn nuôi, hỗ trợ nhau về vốn liếng, nguồn con giống, nguồn thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và thị trường tiêu thụ, đến nay công việc làm ăn của gia đình chị Hạnh và nhiều hộ gia đình ở Bố Trạch đã thực sự phát huy hiệu quả, nguồn thu nhập từ nghề này ngày càng tăng lên.

Anh Hoàng Đình Y, chồng chị Dương Thị Hạnh cho biết, từ những trăn trở, suy nghĩ để tìm ra hướng làm ăn hiệu quả bằng nghề chăn nuôi, năm 2006, vợ chồng chị đã mạnh dạn đứng ra thành lập “Câu lạc bộ chăn nuôi trang trại Bố Trạch” với 15 thành viên tham gia. Để việc thành lập mô hình câu lạc bộ chăn nuôi diễn ra thuận lợi, thu hút ngày càng đông đảo người chăn nuôi tham gia, trước khi thành lập, vợ chồng chị Hạnh anh Y đã thay phiên nhau đi đến tận các hộ gia đình có chăn nuôi lợn với quy mô từ khá trở lên tìm hiểu cách thức làm ăn của họ, tìm hiểu những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình phát triển chăn nuôi. Ngoài tìm hiểu, bằng kinh nghiệm và kiến thức đã có của bản thân, vợ chồng chị còn tư vấn, truyền đạt cho các hộ chăn nuôi rất tạn tình, cho nên anh chị ngày càng vận động nhiều hộ gia đình tham gia “Câu lạc bộ chăn nuôi trang trại Bố Trạch”. Sau gần 3 năm thành lập, đến nay số thành viên tham gia Câu lạc bộ đã lên gần 70 hộ gia đình.

Vào câu lạc bộ chăn nuôi thì người tham gia được quyền lợi gì? Anh Hoàng Đình Y, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, tham gia Câu lạc bộ này, các hộ chăn nuôi được rất nhiều quyền lợi, như được Câu lạc bộ cho vay và hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để phát triển chăn nuôi, được hỗ trợ con giống và thức ăn nếu chăn nuôi gặp rủi ro, được hỗ trọư và tư vấn việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi làm ra với giá cả phải chăn, có lợi cho người chăn nuôi, được tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi…

Riêng với gia đình chị Dương Thị Hạnh và anh Hoàng Đình Y, để giúp các thành viên có được nguồn thức ăn giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, cũng như tiêu thụ sản phẩm thuậna lợi, gia đình anh chị đã đầu tư mở đại lý kinh doanh, cung cấp các mặt hàng thức ăn chăn nuôi và là đại lý đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Đối với các gia đình mới khởi nghiệp chăn nuôi, ít vốn, cửa hàng của anh chị sẵn sàng cho nợ tiền thức ăn để phát triển sản xuất. Đối với việc tiêu thụ sản phẩm, khi có thành viên trong câu lạc bộ có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, gia đình anh Y chị Hạnh sẽ cho xe đến tận nơi để thu mua sản phẩm cho các thành viên, với giá cả phải chăng, làm cho các hộ gia đình chăn nuôi rất yên tâm và tin tưởng.

Từ khi thành lập đến nay, gia đình anh Y chị Hạnh đã tiêu thụ 100% số lợn thịt cho các thành viên trong Câu lạc bộ, chưa để bị tồn hàng một sản phẩm nào, nên không có trường họưp thành viên Câu lạc bộ nào bị tư thương ép giá như nhiều vùng khác trong tỉnh. Vừa phát triển chăn nuôi của gia đình, vừa chú trọng đến việc hỗ trợ các thành viên trong Câu lạc bộ phát triển sản xuất, đến nay gia đình chị Hạnh, anh Y có tổng số tài sản lên đến 4 tỷ đồng, hàng năm thu lãi gần 400 triệu đồng.

Nhờ Câu lạc bộ hoạt động ngày càng hiệu quả, cho nên quy mô chăn nuôi của các hộ gia đình tham gia Câu lạc bộ ngày càng tăng, hiệu quả thu được ngày càng cao. Đến nay có khoảng 30 hộ trong Câu lạc bộ có quy mô chăn nuôi từ 100 con lợn trở lên. Điển hình là mô hình chăn nuôi với quy mô hàng chục con lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Thuỷ, ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch.

Chị Thủy cho biết, trước đây gia đình chị rất nghèo do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật và chăn nuôi theo lối nhỏ lẻ, năm 2007, từ khi tham gia Câu lạc bộ, nhờ được hỗ trợ cho vay vốn sản xuất cũng như được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đến nay quy mô chăn nuôi của gia đình chị đã phát triển nhiều so với trước. Từ chỗ một năm chỉ thu nhập khoảng 3 – 4 triệu đồng, hiện nay mỗi năm gia đình chị đã có thu nhập gần 60 triệu đồng từ nghề nuôi lợn. Kinh tế phát triển, gia đình chị vừa có điều kiện cải thiên đời sống gia đình, vừa tái đầu tư phát triển sản xuất.

Từ hiệu quả cảu mô hình câu lạc bộ chăn nuôi ở huyện Bố Trạch trong thời gian qua, hiện nay Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình và các hộ chăn nuôi nhiều huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Bình đang tìm đến đây để học tập kinh nghiệm. Tin chắc rằng, trong tương lai không xa, mô hình câu lạc bộ chăn nuôi trên dịa bàn tỉnh Quảng Bình sẽ không ngừng phát triển và đưa lại hiệu quả kinh tế cao.