2050: Sản lượng lương thực phải tăng 60-110% mới đủ đáp ứng nhu cầu

ThienNhien.Net – Năm 2050, sản lượng ngô, gạo, lúa mỳ và đậu tương – các loại nông sản cung cấp 43% năng lượng dinh dưỡng và 40% protein toàn cầu – phải tăng từ 60 – 110% mới đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nền dân số đang ngày một gia tăng. Tuy nhiên với tốc độ hiện tại, ước tính đến năm 2050, mức tăng sản lượng các loại nông sản trên sẽ chỉ có thể tăng dao động trong khoảng 38 – 67%.

Kết luận này được rút ra từ một nghiên cứu của Viện Môi trường thuộc trường Đại học Minnesota (Mỹ) đăng trên PLoS ONE tháng 6 năm nay.

Theo dõi các báo cáo về nông nghiệp toàn cầu và sự biến động về sản lượng lương thực ở từng quốc gia, nhóm nghiên cứu do ông Deepak Ray dẫn đầu đã đưa ra cảnh báo rằng rất có thể sản lượng lương thực trong tương lai sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu con người và nạn đói hoàn toàn có thể xảy ra trong vài thập kỷ tới, nhất là trong bối cảnh đất canh tác ngày càng hạn hẹp do phải dành một phần để sản xuất thịt, bơ sữa và một phần cho nhiên liệu sinh học.

Năm 2050, sản lượng cây trồng phải tăng từ 60 - 100% mới đủ đáp ứng nhu cầu (Ảnh: Oxfam)
Năm 2050, sản lượng cây trồng phải tăng từ 60 – 110% mới đủ đáp ứng nhu cầu (Ảnh: Oxfam)

Theo nghiên cứu, các nước dễ rơi vào tình trạng khó khăn nhất là nơi mà sản lượng cây trồng chủ đạo giảm trong khi dân số lại tăng. Guatemala là một ví dụ. Hiện ngô đang là cây trồng cung cấp 36% năng lượng dinh dưỡng cho nước này, song sản lượng ngô đang có xu hướng giảm trong khi dân số Guatemala được dự đoán sẽ tăng trong những năm sắp tới.

Ba nhà sản xuất gạo lớn trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia cũng gặp phải tình trạng tương tự khi dân số có dấu hiệu gia tăng mà sản lượng thì chững lại tại Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí giảm đột ngột tại Indonesia.

Còn ở các nước sản xuất gạo với quy mô nhỏ hơn như Peru, Ecuador, Bolivia, Benin, Togo, Myanmar, Philippin, Malaysia, Hàn Quốc, Nepal và Sri Lanka, sản lượng gạo bình quân đầu người gần đây hầu như không thay đổi.

Sản lượng lúa mỳ ở nhiều nước Afghanistan, Bolivia, Iraq, Paraguay, Peru… tuy có ghi nhận sự gia tăng nhưng mức tăng không đáng kể.

Nếu cứ đà này, nhóm nghiên cứu tin rằng viễn cảnh an ninh lương thực của các nước đang phát triển ở châu Phi và Mỹ Latinh sẽ càng trở nên ảm đạm hơn. Từ đó, nghiên cứu khuyến cáo áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả nhất, xóa bỏ khoảng cách về sản lượng cây trồng giữa các quốc gia, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đồng thời tránh lãng phí lương thực và từ bỏ thói quen ăn nhiều thịt.

[quote by=”Hans Braun, Giám đốc Chương trình Lúa mỳ Toàn cầu thuộc Trung tâm Cải tiến Ngô và Lúa mỳ Quốc tế (CIMMYT) ở Mexico“]Một thực tế rõ như ban ngày nhưng lại thường bị các nhà hoạch định chính sách lờ đi là năng suất nông nghiệp không giống như một nhà máy, muốn tạo ra lúc nào cũng được mà nó đòi hỏi phải có cả một tiến trình nỗ lực dài hơi”.[/quote]