Những mảnh đời mưu sinh trên đá

ThienNhien.Net – Bầu trời bỗng chốc xám xịt làm chuyển màu đen xỉn những vết xe ngang dọc trên cánh đồng đá thôn 4, xã Kông Yang, huyện Kông Chro (Gia Lai). Nếu không có tiếng đục đẽo lách cách phát ra đằng sau những phiến đá cuội nằm la liệt trên cánh đồng đá mênh mông, chúng tôi khó có thể tìm được họ – những người đang nhọc nhằn mưu sinh bằng nghề khai thác đá cuội.

Mưu sinh cơ hàn

Kông Yang vốn là xã nghèo của một trong những huyện nghèo nhất Gia Lai: Kông Chro. Theo thống kê, đến cuối năm 2008, tỷ lệ nghèo của xã chiếm hơn 10% dân số (hơn 100 hộ). Và số cận nghèo, thoát nghèo chưa bền vững vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Có chừng trên 1/3 dân số của xã này làm đá hay có liên quan đến nghề đá. Nhưng mối “lương duyên” với nghề đá cũng chẳng giúp họ khá hơn là bao khi nhiều căn nhà của dân làm đá vẫn vương vấn đói nghèo. Nhiều đứa trẻ đem nhẻm, ánh mắt lạ lẫm và không hề biết đến những trò giải trí như phố thị. 


Những đồng đá trơ trụi, hoang vắng ngày nào cũng là nơi họ mưu sinh, dù cuộc mưu sinh này gặp vô vàn khó khăn. Kiếm được tiền từ tay chủ đá cũng rưng rưng nước mắt. Dân làm đá đứt tay, sẹo mặt…là chuyện cơm bữa ở những vùng làm đá.

 muu sinh
… nơi đó – Cuộc sống mưu sinh vẫn nhịp nhàng tiếng đục tiếng đẽo (Ảnh: Trần Ngọc)

Anh Hùng, một người dân làm đá của xã Kông Yang nhớ lại: “Tôi bị đứt tay không biết bao nhiêu lần. Nhưng nhớ nhất là có lần bị một hòn đá bay thẳng vào giữa trán, máu tuôn xối xả, tưởng nứt sọ. Các bạn cùng làm vội đưa đến bệnh viện nên mới thoát chết. Vậy là bỏ nghề luôn.


Hầu hết những người làm nghề đẽo đá xây dựng của xã không hề được đóng bảo hiểm xã hội hay trang bị các phương tiện bảo hộ lao động. Anh Phạm Văn Nho, năm nay chưa đến 30 tuổi mà đã già khọm, gương mặt khắc khổ kể:  “Mình lên đây lập nghiệp hơn mười năm nay. Nhà khổ quá, cũng phải gắng đi làm đá từ 3 năm nay. Công việc rất nặng nhọc. Cứ tối đến đặt mình lên giường là ngủ mê mệt vì quá mệt. Mình cùng nhiều người khác làm ăn theo sản phẩm, ngày khá cũng được chừng 100 ngàn đồng. Tiền kiếm được tạm đủ nuôi gia đình và 3 đứa con ăn học. Nhưng chắc mình làm 2,3 năm nữa cũng phải kiếm nghề khác sinh kế. Bụi đá, dăm đá rồi uống nước nhiễm vôi…đã làm mình kiệt sức”.


Không chỉ có dân địa phương, nhiều người ở các tỉnh lân cận Gia Lai như Quãng Ngãi, Bình Định, Kon Tum cũng góp mặt vào đội quân xẻ đá thuê. Một túi nhỏ chứa quần áo, đồ nghề và một chỗ trọ gần bãi đá, vậy là đủ cho một cuộc sinh kế nhọc nhằn.


Câu chuyện vẫn đều đều trong tiếng búa chát chúa, anh Nguyễn Văn An, 52 tuổi, một thợ đá có nghề hơn 30 năm vẫn không rời tay trong lúc nói chuyện. Anh An cho biết, mình quê ở Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Anh vào Gia Lai cách đây hơn 3 tháng. Nghề đá là công việc phụ nhưng mỗi năm đều cho chút thu nhập kha khá mang về quê. Năm nào cũng vậy, khoảng cuối tháng 5 âm lịch, khi những thửa ruộng quê anh đã gieo tỉa xong là nhiều người lại khăn gói tha hương. Và bao giờ anh cũng chọn “cao nguyên đá Kông Chro” để đi bởi nghề đá đã gắn với anh hơn nửa cuộc đời. Anh tâm sự: “Không phải ai cũng làm được nghề này. Ngoài kỹ thuật điêu luyện, nghề đục đá còn là một nghề khá vất vả. Nhiều anh em cùng quê với tôi theo chân vào đây, sau vài tuần “thử việc” đã nản chí, lại khăn gói về quê”.

 muu sinh

Anh Nguyễn Văn An … (Ảnh: Thanh Minh)

Trong lúc nói chuyện, chúng tôi cứ nhìn đôi bàn tay sần sùi của anh. Vết dấu của những lần gõ búa không chính xác vào xà beng, băm vằm trên da thịt. Điều đáng lo hơn, ngoài hai dụng cụ búa và xà beng, anh An không được trang bị một dụng cụ bảo hộ nào khác. Chúng tôi hỏi: sao anh không đeo kính, lỡ mảnh dăm nào của đá văng vào mắt, câu trả lời của anh gọn gẽ “quen rồi, đeo rất khó chịu”. Ngước mắt nhìn theo cái đánh tay của anh lên khỏi đầu, tấm bạt che mưa nắng đã ngả màu trắng bệt, te tua theo những đợt gió. Có vẻ rằng với anh nghề khai thác đá quá đỗi nhọc nhằn!.

 doi tay san sui

… với đôi bàn tay sần sùi nham nhở kế sinh nhai theo thời gian (Ảnh: Thành Dũng)

Ngồi bên cạnh chòi của anh An là một thợ đá có khuôn mặt rất thư sinh. Anh tên là Nguyễn Văn Huy, 21 tuổi. Chúng tôi để ý từ lúc đến đây, Huy chỉ làm mỗi việc xếp những viên đá thành phẩm lại thành hàng một. Nhẩm tính thành quả lao động của mình sau những cái chỉ tay, Huy cho biết, từ sáng đến giờ anh đã đục được 50 viên đá. Có lẽ kết quả này không tệ nên sự hoan hỉ vẫn thường trực trên khuôn mặt anh. “Mỗi viên đá tính bình quân có giá 1.500 đồng. Từ giờ đến cuối ngày cố gắng đục thêm khoảng 20 viên nữa, mình sẽ thu nhập được một trăm. Làm ít ăn ít” – Huy hóm hỉnh.


Những người làm đá thuê cho biết, họ thường dễ mắc những bệnh liên quan đến đường hô hấp, chưa kể những tai nạn lao động thường xảy ra. Chủ nào tử tế còn thăm nom, cho tiền chạy chữa, nếu không đành ngậm đắng nuốt cay. Thân phận như anh Nho, anh Hùng, anh An… trên những cánh đồng đá không thiếu.

Trời Tây Nguyên âm u, mưa lất phất trước ống kính máy ảnh. Có gì đó chua xót, đất trời lồng lộng, đá trải dài thành cánh đồng mà sao đời người vẫn cơ hàn.

Nhùng nhằng lợi ích từ tài nguyên

Theo báo cáo của huyện Kông Chro, trước đây lúc cao điểm có tới 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá trên địa bàn huyện với diện tích khoảng 20 ha. Những doanh nghiệp này đã giải quyết cho khoảng 100 lao động phổ thông địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi người khoảng 2 triệu đồng/tháng. Sau khi có chủ trương ngừng cấp phép hoạt động của UBND tỉnh Gia Lai (tháng 07/2008), số lao động nói trên là không thể thống kê bởi hầu hết đều lao động “chui”.


Theo phân tích của ông Tô Thành Nam, Trưởng Phòng tài nguyên huyện Kông Chro, sở dĩ số lao động địa phương được giải quyết rất ít là do hầu hết chưa có tay nghề phù hợp. Các doanh nghiệp không có một cam kết rõ ràng nào về việc giải quyết lao động tại chỗ khi được cấp phép khai thác. Mặt khác, các doanh nghiệp chủ yếu là khai thác thô, ít chế biến nên cũng không cần nhiều lao động trong sản xuất. Hầu hết các thợ đá tận dụng các bãi đá tự nhiên, khai thác một cách tự phát rồi bán lẻ lại cho các chủ xây dựng.


Năm 2007 là năm huyện Kông Chro “bội thu” lớn nhất phí môi trường và thu nhập từ doanh nghiệp. Hơn 1 tỷ đồng – khoản tiền không nhỏ so với tổng nguồn thu mỗi năm của huyện là từ 5-7 tỷ đồng như một lãnh đạo huyện đã thừa nhận. Tuy nhiên, không thể bàng quan với sự khập khiễng trong phép so sánh giữa sự đóng góp cho ngân sách địa phương với giá trị thực của nguồn tài nguyên đá mà các doanh nghiệp này đã khai thác (được hưởng). Đó là chưa nói đến những hệ lụy từ việc khai thác đá như nguy cơ ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp không chịu hoàn thổ, nhiều tuyến đường của địa phương mỗi ngày phải “gồng mình” với những xe chở đá.

 nha tam

Ở đây có rất nhiều những ngôi nhà bỏ hoang như thế này. Nhiều người nói đó là nhà của dân làm đá nơi khác đến cư ngụ theo mùa vụ khai thác. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Mấy chục ha đá nằm ngổn ngang. Những bãi đá nhỏ khai thác xong nằm chơ vơ, tịnh không một bóng cây. Khái niệm “hoàn thổ” dù được chính quyền nhắc đến nhưng các chủ đá thực tế vẫn chưa thực sự thực hiện nghiêm. Hầu như trên số diện tích đá đã khai thác tựa như…vùng đất chết! Chỉ có một số cây bạch đàn được trồng sống vất vưởng. Và trong hơn bốn năm qua, các chủ đá, doanh nghiệp khai thác chỉ hỗ trợ cho xã Kông Yang (huyện Kông Chro) chưa đến 100 triệu đồng. Số tiền này được chính quyền xã “nhanh tay” đúc luôn một cái sân bê tông hoành tráng ngay tại UBND xã. 


Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm tổ chức, thiếu quan hệ…và thiếu đất sản xuất màu mỡ đã đẩy những người dân ở vùng đất có tài nguyên trở thành những thân phận làm thuê. Có thể điều những người lao động ở đây cần nhất là được doanh nghiệp tuyển dụng một cách đúng luật (không phải lách luật như hiện nay – P.V) để họ có cuộc sống ổn định, ngay vào thời điểm này, họ không biết mình là nông dân làm đá hay công nhân làm đá?!

Tây Nguyên: Giàu khoáng sản, nghèo lối đi!

Tặng vật của Yàng