Hợp tác quản lý lưu vực chung: Con đường tất yếu

ThienNhien.Net – Xây dựng chương trình hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia thuộc lưu vực sông quốc tế nhằm bảo vệ nguồn nước luôn là việc phức tạp và tốn rất nhiều thời gian, trong khi việc thực hiện những cam kết hợp tác lại không hề đơn giản, bởi ít nhiều nó cũng gây ảnh hưởng đến chủ quyền của các nước. Song, bên cạnh rất nhiều trường hợp không thể hợp tác hoặc hợp tác thiếu hiệu quả giữa các quốc gia thì cũng không khó để chỉ ra những mô hình hợp tác hiệu quả cần được nhân rộng. Bài viết này nhìn nhận vấn đề hợp tác giữa các quốc gia ven sông bằng một cách nhìn thực tiễn hơn, nhằm rút ra một số bài học kinh nghiệm về việc hình thành quan hệ hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia có chung biên giới sông.


Vốn dĩ, hợp tác quản lý sông quốc tế giữa các nước luôn được xem là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn – đó cũng chính là cơ sở của các phiên họp và các tuyên bố quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế,  công ước quốc tế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới vào mục đích phi hàng hải của Liên hợp quốc đã mất đến 27 năm trước khi được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua năm 1997. Vậy mà 12 năm sau đó, chỉ có 16 quốc gia đồng thuận và tới nay, công ước vẫn chưa có hiệu lực.

Hệ quả của việc thiếu đồng thuận là đến thời điểm hiện tại, không có một công ước toàn cầu nào được áp dụng để quản lý, điều hành việc sử dụng cũng như bảo vệ nguồn nước chung dù các quốc gia đều ý thức được vai trò không thể thay thế của nước trong sinh hoạt và sản xuất. Rõ ràng, hầu hết các quốc gia không sẵn sàng cam kết – ngoại trừ một số nước đã có hợp tác về quản lý sử dụng nguồn nước, tuy nhiên tính pháp lý ở đó chưa cao.

Động lực nào khiến các quốc gia hợp tác?

Thực tế cho thấy các quốc gia hợp tác trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới không phải do bị bắt buộc bởi “đạo lý hợp tác” mà bởi chính họ nhận thấy lợi ích thực sự của hợp tác và lợi ích này được chia sẻ công bằng giữa các quốc gia.

Lợi ích hợp tác được chia thành 4 loại: lợi ích môi trường đối với con sông (cải tiến chất lượng nước, bảo tồn đa dạng sinh học), lợi ích kinh tế từ con sông (gia tăng lượng thủy sản và nguồn năng lượng), lợi ích từ cắt giảm chi phí phát sinh bởi con sông (giảm căng thẳng về địa chính trị, tăng cường phòng chống bão lũ), các lợi ích khác ngoài con sông (tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế).

Khí hậu biến đổi bất thường cùng với những thay đổi về dân số, tài chính, kinh tế, chính trị… là thách thức đối với công tác quản lý điều hành nguồn nước quốc tế. Tại những vùng châu thổ chung giữa các nước, các rủi ro ngày càng gia tăng, do đó hợp tác quản lý lưu vực biên giới sông chính là chiến lược quản lý rủi ro quan trọng bậc nhất cần được áp dụng .

Các lợi ích đạt được phải được chia sẻ một cách công bằng cho các quốc gia tham gia hợp tác. Điều này đồng nghĩa với việc tách biệt khu vực phát sinh lợi ích với nơi lợi ích được phân bổ.

Làm thế nào để đạt được sự hợp tác hiệu quả?

Để có được chương trình hợp tác hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực trong nhiều năm từ các bên tham gia. Song, cũng không có một tiêu chí nào để xác định thế nào là hợp tác hiệu quả: tùy vào từng trường hợp cụ thể mà những mô hình hợp tác khác nhau được áp dụng.

Xây dựng một môi trường thuận lợi, tin cậy giữa các quốc gia chính là bước khởi đầu để hình thành nên những thể chế quản lý xuyên quốc gia hiệu quả.

Mặc dù nội dung chương trình hợp tác hoàn toàn do các nước tham gia quyết định, kinh nghiệm cho thấy việc mời bên thứ ba tham gia có tác động tích cực đối với việc đảm bảo thực hiện cam kết, đặc biệt là đối với các châu thổ đã có một quá khứ căng thẳng và một tương lai hứa hẹn phức tạp.

Những nỗ lực phải được duy trì một cách bền bỉ và nghiêm túc qua một thời gian dài, có thể mất đến một thập kỷ hoặc lâu hơn nữa.

Đồng thời, chương trình hợp tác phải được tiến hành một cách tiết kiệm, không để lại gánh nặng kinh tế cho thế hệ sau trừ những khoản chi có tính chiến lược và ý nghĩa đặc biệt.

Quá trình thực hiện hợp tác trong giai đoạn đầu có vai trò đặc biệt quan trọng và có thể sẽ khá tốn kém. Đầu tư thời gian để xây dựng hệ thống truyền thông hiệu quả cùng mối quan hệ công việc cũng như tiếp nhận kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm là yếu tố nhất thiết để hợp tác thành công.

Quá trình này bao gồm các hoạt động như: chia sẻ kinh nghiệm, cùng học tập, thảo luận và đánh giá các giải pháp. Một xuất phát điểm thấp đồng nghĩa với việc các bên phải bàn bạc để đưa ra quan điểm thống nhất, xác định mục tiêu cho tương lai, chia sẻ kiến thức để đưa ra những bằng chứng xác thực nhằm thay đổi nhận thức về lợi ích của các bên và qua đó tăng cường hợp tác.

Có rất nhiều ví dụ thực tế về cách thức hợp tác hiệu quả đã được đưa ra cùng trao đổi. Với các quốc gia bên bờ sông Himalaya, nơi mà quan hệ hợp tác vốn lỏng lẻo, Đối thoại Abu Dhabi (ADD) được xem là một chương trình khá hiệu quả với sự tham gia của các chính trị gia lâu năm, các thành viên đến từ chính phủ các nước, cũng như các tổ chức phi chính phủ của 7 quốc gia.

Diễn đàn của ADD là nơi chia sẻ kiến thức và hiểu biết từ nhiều vùng lãnh thổ khác nhau, qua đó đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu. Từ những câu chuyện bên lề, những người tham gia đã xây dựng mối quan hệ và sự tin tưởng lẫn nhau đối với các vấn đề chung để cùng tìm ra giải pháp thích hợp, từ đó tạo nên tình đoàn kết hữu nghị giữa các quốc gia.

Tại sao các nước bên bờ sông Nile sẵn sàng bắt tay nhau?

Sông Nile, con sông dài nhất thế giới chảy qua 10 quốc gia vốn được biết đến với cảnh quan, hệ sinh thái, nền văn hóa và lịch sử độc đáo đa dạng. Tuy nhiên lưu lượng nước của sông không lớn (chỉ bằng 6% lưu lượng hàng năm của sông Congo, 26% sông Zambezi, trong khi dân số và nhu cầu sử dụng nước ngày một gia tăng.

Do đó, dư luận đã đặt ra rất nhiều ý kiến xoay quanh các sức ép đối với lưu vực con sông này. Gần đây, đại diện cho các quốc gia Ai Cập, Ethiopia và Sudan, Bộ trưởng Bộ Đầu tư Ai Cập đã trình lên Ngân hàng Thế giới đề án xin cấp viện trợ cho chương trình đầu tư hợp tác đầu tiên tại phía Đông sông Nile.

Câu hỏi đặt ra là động lực nào đã khiến các quốc gia này tuyên bố sẵn sàng tham gia vào chương trình hợp tác?

Cũng như những quốc gia có chung biên giới sông, các quốc gia bên bờ sông Nile cũng phải nỗ lực bền bỉ và gian truân để cùng nhau tạo nên sự tin cậy, hiểu biết và xây dựng các thể chế. Các phân tích của họ cũng chứng tỏ rất rõ rằng hợp tác sẽ mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều so với sự bất hợp tác, vì thế lựa chọn của họ là một sự lựa chọn sáng suốt.

Họ cũng đã nỗ lực rất nhiều để khẳng định rằng hợp tác sẽ mang lại những lợi ích có thể đo đếm và chia sẻ công bằng. Song trên hết, họ đã có đủ dũng cảm để thay đổi lịch sử – từ quá khứ bất hợp tác sang một tương lai mới của tình hữu nghị hợp tác.

Ở châu thổ sông Senegal, Mali, Mauritania, dựa vào Công ước Phát triển Lưu vực Senegal (OMVS), các chính phủ đã xây dựng một phương pháp luận và khung hành động rõ ràng nhằm xác định và phân bổ lợi nhuận cũng như kinh phí của các dự án đầu tư trên cả vùng châu thổ.

Chẳng hạn, lợi nhuận từ đập Manantali (phía tây Mali) – con đập được xây dựng để đem lại các lợi ích về thủy điện, tưới tiêu, hàng hải – được chia đều cho ba quốc gia mà nó đi qua.

Quy mô lợi ích nhận được, sự chia sẻ công bằng được thiết lập và tình đoàn kết giữa các quốc gia đã giúp duy trì sự hợp tác và một tổ chức lưu vực sông vững mạnh trên con sông Senegal.