Một vấn đề cần được chất vấn

ThienNhien.Net – Một số câu hỏi và kiến nghị về dự án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Trong ảnh: Đập Xayaburi đang được xây dựng ở Lào (Nguồn: East by Southeast)
Trong ảnh: Đập Xayaburi đang được xây dựng ở Lào (Nguồn: East by Southeast)

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII là một bước tiến được cử tri ghi nhận.

Về phía những người chất vấn (đại biểu Quốc hội) câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng. Về phía những người được chất vấn, trả lời tập trung hơn trước đây tuy vẫn còn những Bộ trưởng nhận lỗi quá dễ dàng, hoặc có lúc đưa ra các khẳng định thiếu thuyết phục vì không đưa ra căn cứ cơ sở. Điều hành của Chủ tịch Quốc hội đã mở ngõ cho truy vấn để làm rõ vấn đề là một điểm sáng.

Nội dung chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề “nóng”, những bất cập, yếu kém đang kìm hãm sự phát triển đất nước. Điều này là xác đáng qua đó giải tỏa một phần những bức xúc của cử tri. Tuy nhiên đó là những vấn đề đã xảy ra. Nhiều cử tri cảm thấy tiếc vì thiếu những chất vấn về những gì sắp, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra, mà tác động lên tương lai đất nước là hết sức to lớn, thậm chí mang tính sống còn đối với cả một vùng lãnh thổ.

Một trong những vấn đề như vậy là tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đến đồng bằng sông Cửu Long. Sau Xayaburi, Don Sahong, nay đến Pak Beng đang được xây dựng. Cách đây hơn 3 năm Chính phủ Việt Nam quyết định tiến hành một dự án, Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong, giao cho Bộ TN&MT quản lý với kinh phí 4,3 triệu USD. Về việc này, không dừng lại ở tiếc nuối, tôi đã gửi đến Bộ trưởng Bộ TN&MT, đồng kính gửi đến Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn, nội dung sau đây:

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 11 năm 2016,

Thưa Bộ trưởng,

Đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong là một việc quan trọng cần làm. Dự án nghiên cứu các tác động này (MDS) là một dự án của Chính phủ Việt Nam, được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, và do Viện Thủy Lợi Đan Mạch (DHI) thực hiện thông qua một hợp đồng trị giá 4,3 triệu USD, trong 30 tháng từ 01.6.2013 đến 31.12.2015.

Trong 2 lần phản biện của mình, tôi đã chỉ rõ 5 điểm yếu cơ bản của nghiên cứu của DHI (phương pháp luận, mô hình hóa, số liệu, chế độ vận hành, hiểu biết thực tế) và đi đến kết luận là các kết quả và kết luận của công trình là không đáng tin cậy và tiềm ẩn hậu quả bất lợi khôn lường nếu được Chính phủ Việt Nam phê duyệt.

Trong hai văn thư gửi Bộ trưởng ngày 30.3.2016, và ngày 20.4.2016, tôi có 2 câu hỏi và 4 kiến nghị với Bộ TN&MT nhưng tới nay tôi chưa nhận được trả lời.

Câu hỏi 1: Xin Bộ trưởng xác nhận có phải Báo cáo MDS của công ty tư vấn đã được Bộ TN&MT nghiệm thu?

Nếu đã được nghiệm thu, chúng tôi có 4 kiến nghị :

Công bố Báo cáo cuối cùng về MDS của Công ty tư vấn trước Hội đồng nghiệm thu;
Công bố kết quả nghiệm thu với các tài liệu có liên quan (danh sách Hội đồng nghiệm thu, các báo cáo phản biện, trả lời của Cty tư vấn, và kết quả bỏ phiếu)
Công bố văn bản hợp đồng đã ký giữa Bộ TN&MT với CTy Tư vấn;
Báo cáo tài chính về Dự án MDS.”
Các công bố được đưa lên Cổng thông tin của Bộ TN&MT.

Câu hỏi 2: Xin Bộ trưởng cho biết việc nghiệm thu của Bộ TN&MT có cần Chính phủ phê duyệt, và đã được phê duyệt?

Mong được Bộ trưởng trả lời. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Nguyễn Ngọc Trân

Đại biểu QH khóa IX, X, XI

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại QH